Ứng dụng mô hình hệ thống Trái Đất của Na Uy xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Ứng dụng mô hình hệ thống Trái Đất của Na Uy xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nghiên cứu hệ thống gió mùa và các hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam”.

 3

 Những hình thái thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện nhiều do
biến đổi khí hậu. Ảnh: baodatviet.vn

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhấn mạnh, việc xây dựng và cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng là nhiệm vụ được xác định rõ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu của Việt Nam. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam năm 2009, cập nhật năm 2012 và tiếp tục cập nhật vào năm 2015.

Từ năm 2012, được sự tài trợ của Chính phủ Hoàng gia Na Uy, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Bjerknes của Na Uy thực hiện dự án “Ứng dụng mô hình hệ thống Trái Đất của Na Uy xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nghiên cứu hệ thống gió mùa và các hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam”. Kết quả của dự án này sẽ được sử dụng để cung cấp thông tin và số liệu cho bản cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam vào năm 2015.

Bà Nguyễn Thị Hiền Thuận, Phó giám đốc Dự án cho biết, thông qua Dự án đã dự tính sự biến đổi của nhiệt độ, mưa và một số cực đoan khí hậu ở 7 khu vực của Việt Nam theo 2 kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp (RCP4.5) và cao (RCP8.5) cho các giai đoạn khác nhau trong thế kỷ 21, so với thời kỳ chuẩn 1986 – 2005.

Về nhiệt độ không khí trung bình, theo kịch bản RCP4.5, tăng khoảng 1 độ C ở giai đoạn giữa thế kỷ 21 và 1,4 độ C ở giai đoạn cuối thế kỷ. Theo kịch bản RCP8.5, tăng tương ứng lần lượt là 1,4 độ C và 3 độ C. Nhiệt độ không khí tối cao trung bình và tối thấp trung bình có thể tăng từ 1,4 độ C (kịch bản RCP4.5) đến 2,9 độ C (kịch bản RCP8.5) ở cuối thế kỷ.

Tổng lượng mưa năm tăng từ 8% (kịch bản RCP4.5) đến 9% (kịch bản RCP8.5) ở giai đoạn giữa thế kỷ và tăng từ 9% (kịch bản RCP4.5) đến 30% (kịch bản RCP8.5) ở giai đoạn cuối thế kỷ. Lượng mưa ngày cực đại toàn quốc ở giai đoạn cuối thế kỷ có thể tăng đến trên 37% (kịch bản RCP4.5) đến trên 45% (kịch bản RCP8.5).

Tốc độ gió trung bình năm ở giai đoạn giữa thế kỷ không có sự thay đổi đáng kể ở cả 2 kịch bản RCP4.5 và RCP8.5. Khi xem xét theo các mùa trong năm, gió trung bình mùa thu có xu thế giảm, mức độ giảm ở kịch bản RCP8.5 nhiều hơn so với kịch bản RCP4.5. Tốc độ gió trung bình ở giai đoạn cuối thế kỷ có xu thế suy yếu trong tháng 9 và tăng ở các tháng 6,7,8.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao những kết quả dự án đạt được. Các kết quả này sẽ đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam vào năm 2015./.

Nguồn ĐCSVN