Ukraine nóng bỏng trước mùa đông lạnh giá

Ukraine sẽ không thể vượt qua mùa đông mà không mua khí đốt của Nga, đó là lời khẳng định của nhiều quan chức Ukraine trong bối cảnh kho dự trữ khí đốt của Kiev giờ đây không còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng trong mùa đông sắp tới.

“Lạnh” cho Kiev

Theo Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than Vladimir Demchyshyn, tính đến tháng 8 này, các kho lưu trữ ngầm của Ukraine chỉ có 13 tỷ m³ khi đốt, trong khi mùa đông đến, nhu cầu sử dụng phải vào khoảng 19 tỷ m³. “Sẽ khó có cách nào bù đắp khoản thiếu hụt 6 tỷ m³ khí nếu không có nguồn cung cấp từ Nga”, ông Demchyshyn nhấn mạnh.

Kiev sẽ trải qua một mùa đông khó khăn khi thiếu khí đốt từ Nga.

Tuy nhiên, ông Demchyshyn cũng cho hay, Ukraine không sẵn sàng mua khí đốt với giá 247 USD/1.000m³ mà Nga đề xuất, vì theo ông, Mátxcơva không xác định giá cho toàn bộ mùa đông và không đồng ý với việc ký kết thỏa thuận ba bên với sự tham gia của Liên minh châu Âu (EU). “Điều chúng tôi cần bây giờ không chỉ là một đơn giá thấp. Kiev không thể xoay xở với hợp đồng khí đốt chỉ có một nửa mùa đông như vậy”, ông Demchyshyn nói.

Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than Ukraine cũng lưu ý rằng Kiev có thể mua khí đốt đảo chiều từ châu Âu với giá 255 USD/1.000m³ nhưng kế hoạch này là rất khó bởi Kiev cần phải có 1,2 tỷ USD. Từ ngày 1-7-2015, Ukraine không mua khí đốt tự nhiên của Nga. Kiev không đồng ý với giá đề nghị là 247 USD/1.000m³. Ukraine cho rằng giá gas hợp lý là 200 USD. Hiện Kiev dựa hoàn toàn vào nguồn khí đốt đảo chiều từ châu Âu.

“Nóng” ở miền Đông

Trong lúc này, tình hình căng thẳng ở miền Đông Ukraine vẫn chưa giảm. Trung tâm thông tin tỉnh Lugansk cho biết, đơn vị trinh sát của lực lượng công an Lugansk đã thu thập được thông tin nói rằng quân đội Ukraine chuẩn bị tấn công lực lượng đòi độc lập ở tỉnh này.

Theo nguồn tin trên, các lực lượng vũ trang Ukraine đã thành lập một nhóm tấn công với tên gọi ATO (chiến dịch chống khủng bố) gồm các tiểu đoàn cơ giới 92 và 54 với 5.000 binh sĩ. Nhóm này sắp tới sẽ tiến hành tấn công với sự trợ giúp mạnh mẽ của pháo binh. Nhiệm vụ chính trong chiến dịch tấn công là chiếm thành phố Lugansk. Nguồn tin cũng cho hay quân đội Ukraine đã di chuyển vũ khí và thiết bị quân sự tới các điểm dân cư Zolotoe, Schaschie và đường Bakhmutskaya. Điều này đã được quan sát viên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại khu vực này xác nhận. Trong các ngày từ 12 đến 14-8, OSCE đã ghi nhận sự di chuyển của thiết bị quân sự Ukraine dọc đường giới tuyến.

Trong khi đó, một quan chức của Trung tâm Kiểm soát và điều phối chung Ukraine, Tướng Boris Kremenetskiy, cũng cho biết tình hình dọc đường giới tuyến ở Donetsk và Lugansk vẫn căng thẳng ngay trước Ngày Độc lập (16-8) của Ukraine. Theo nguồn tin này, ngày nào lực lượng đòi độc lập ở miền Đông cũng vi phạm lệnh ngừng bắn và vẫn sử dụng vũ khí đáng ra phải rút đi.

Trước tình hình căng thẳng vẫn tiếp tục diễn biến ở miền Đông, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đề xuất với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hình thức đàm phán mới nhằm giải quyết tình hình ở Donbass. Theo đề xuất này, các cuộc đàm phán sẽ có sự tham gia của các nước cường quốc ở châu Âu cũng như các nước láng giềng của Ukraine, trong đó có Ba Lan. Hiện các cuộc đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang diễn ra theo hình thức bộ tứ Normandy (gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức). Kiev đã nhiều lần nhấn mạnh, Mỹ cần tham gia tiến trình này và tuyên bố cần thảo luận cuộc xung đột ở miền Đông nước này theo cơ chế Geneva (gồm Ukraine, EU, Mỹ và Nga). Hồi tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho biết, Mátxcơva chưa thấy cần thiết phải mở rộng cơ chế bộ tứ Normandy, song không phản đối Mỹ tham gia tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nguồn SGGP