UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp trực tuyến định kỳ 3 cấp về công tác phòng chống dịch Covid-19

(THTG) Chiều ngày 09-8, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp trực tuyến định kỳ 3 cấp về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ông Võ Văn Bình – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp với Tổ công tác Bộ Y tế. Cùng tham dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang và các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh Tiền Giang.

UBND hop truc tuyen Covid 4

UBND hop truc tuyen Covid 2

BS Trần Thanh Thảo – GĐ Sở Y tế Tiền Giang phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Anh Tuấn

Theo đánh giá của Sở Y tế Tiền Giang, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp. Đến ngày 09/8/2021, toàn tỉnh ghi nhận 4.327 trường hợp F0, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 100 ca F0 và đáng lo ngại hơn là các ca mắc ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Hiện nay, Tiền Giang đang điều trị 3.068 F0, điều trị khỏi 1.158 ca.

Về theo dõi cách ly tại nhà, toàn tỉnh có 1.161 trường hợp F1, công tác này đánh giá là đang thực hiện tốt, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung. Công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng đã phát hiện thêm nhiều ca F0, theo đó sẽ triển khai tiếp tục kế hoạch tầm soát lần 2 trong thời gian tới.

Về tiêm vắc-xin, từ tháng 4 đến nay, Tiền Giang đã tiếp nhận 5 đợt tiêm vắc-xin của Bộ Y tế, đã tiêm trên 107.347 liều. Theo đánh giá của Sở Y tế, tiến độ tiêm vắc-xin còn chậm và sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tiêm vét cho các đối tượng và kế hoạch chiến dịch tiêm vắc-xin trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Bác sĩ CKII Trần Thanh Thảo – GĐ Sở Y tế Tiền Giang triển khai công điện khẩn 1168 của Bộ Y tế về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Tiền Giang tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; Triển khai tiếp tục xét nghiệm thần tốc diện rộng; Thực hiện phân 4 tầng điều trị để giảm tải tử vong. Hiện tỉnh Tiền Giang đã và đang thực hiện tiêm vắc-xin theo hình thức cuốn chiếu, vùng nào tiêm xong vùng đó, để bảo vệ vùng xanh, vì thế tiến độ tiêm vắc-xin còn chậm và sẽ được xem xét đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin trong thời gian tới.

UBND hop truc tuyen Covid 3

UBND hop truc tuyen Covid 5

UBND hop truc tuyen Covid 8

Đại diện lãnh đạo các địa phương phát biểu ý kiến đề xuất trong phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Anh Tuấn

Trong số các địa phương, huyện Cai Lậy đã qua 22 ngày không ghi nhận trường hợp F0 và là địa phương được đánh giá tốt về bảo vệ giữ vùng xanh trong phòng chống dịch. Các địa phương khác như: Thị xã Gò Công, Chợ Gạo, tình hình dịch còn phức tạp, nhiều nơi còn ghi nhận ổ dịch mới, với nhiều ca F0 trong cộng đồng, trong khu công nghiệp và cả tái nhiễm F0.

Lãnh đạo các địa phương đánh giá công tác tầm soát trong cộng đồng đạt hiệu quả, đề nghị tăng cường tầm soát diện rộng, tăng tốc tiêm vắc-xin, trong đó thành phố Mỹ Tho cho biết dự kiến 14/8 kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nên cần phải tận dụng thời gian để tăng cường các biện pháp chống dịch, đồng thời ngăn chặn tình trạng chủ quan lơ là, xử lý vi phạm để bảo vệ thành quả chống dịch.

UBND hop truc tuyen Covid 9

UBND hop truc tuyen Covid 10

Ý kiến phát biểu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tiền Giang. Ảnh: Anh Tuấn

Phát biểu tại cuộc họp, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tiền Giang đề nghị các huyện đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin để giải phóng kho trữ tiếp nhận vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ cho tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 ổ dịch đang có nguy cơ rất cao là ổ dịch phường 5 – Thị xã Cai Lậy và ổ dịch ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, còn nhiều mầm bệnh trong cộng đồng. Đề nghị các địa phương nhanh chóng đánh giá vùng, đối tượng nguy cơ cao, để tổ chức kế hoạch tầm soát diện rộng thời gian tới.

Sở Lao động Thương binh xã hội Tiền Giang cho biết, thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ cho người khó khăn trong dịch bệnh Covid-19, đến nay Tiền Giang đã tổ chức hỗ trợ đợt 1 cho trên 22.000 lao động với 34 tỷ đồng.

Về công tác tiếp nhận điều trị F0 tại các bệnh viện dã chiến hiện nay vẫn còn khó khăn, như tại bệnh viện dã chiến 5 còn nhiều trường hợp bệnh nhân không tuân thủ quy định phòng bệnh. Những khó khăn về chính sách hỗ trợ cho người thực hiện nhiệm vụ…

Ong Pham Van Trong 2

Ong Pham Van Trong 1

Ông Phạm Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Anh Tuấn

Về công tác phòng chống dịch bệnh trong các khu – cụm công nghiệp, phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, qua việc thành lập các đoàn công tác thẩm định hoạt động của nhiều doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” để có hướng chấn chỉnh và có giải pháp cụ thể đối với hoạt động này. Đến nay, việc thẩm định đã thực hiện xong, các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” lần 1, trên cơ sở đủ điều kiện theo bộ tiêu chí của UBND tỉnh, có ý kiến của Tổ công tác Bộ y tế được chứng nhận và tổ chức hoạt động “3 tại chỗ” lần 2, nhưng số công nhân tham gia không quá 50% lao động của doanh nghiệp. Mặc khác, dù đạt tiêu chuẩn qua thẩm định, nhưng doanh nghiệp có ca dương tính với SARS-CoV-2 sẽ không xét thực hiện phương án “3 tại chỗ”, đồng thời phải thực hiện theo quy trình xử lý dịch tại kế hoạch 154 của Ban chỉ đạo tỉnh.

Việc tổ chức phương án “3 tại chỗ” lần 2 sẽ thuận lợi hơn trên cơ sở sàng lọc các doanh nghiệp, công nhân ưu tiên tiêm vắc-xin. Theo đó, các ngày 10-8 và, 11-8, các ngành chức năng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện này. Tổ chức tốt phương án “3 tại chỗ” sẽ giúp cho việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh; hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương.

UBND hop truc tuyen Covid 15

UBND hop truc tuyen Covid 14

Ông Trần Văn Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Anh Tuấn

Qua hai tháng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, ông Trần Văn Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang ghi nhận các ý kiến, đề nghị của các địa phương, đồng thời đánh giá cao những cố gắng của các địa phương. Ông đề nghị từng vùng, từng địa phương có biện pháp thực hiện khác nhau, nhưng làm sao để người dân đồng thuận, đồng lòng khi tổ chức phòng chống dịch. Để khống chế dịch tốt, ông yêu cầu các địa phương phải lưu ý các biện pháp tích cực ngăn chặn ở giữa vùng xanh và vùng có dịch, để bảo vệ chặt chẽ vùng xanh. Song hành với công tác tầm soát là truy vết, trong đó tầm soát bước vào giai đoạn 2 phải thần tốc, ưu tiên cho vùng nguy cơ cao như Mỹ Tho, Châu Thành, Chợ Gạo.

Về công tác quản lý F0, F1, ông lưu ý các địa phương phải xây dựng được khu chờ xét nghiệm, nhằm kiểm soát được nguy cơ lây lan. Thời gian qua, việc xét nghiệm và lấy mẫu còn chưa đồng bộ, nên phải tập trung cho lực lượng y tế, bổ sung khẩn trương thực hiện. Ông cũng đề nghị rà soát lại trang thiết bị, nhân lực để tập trung cho công tác phòng chống dịch, nhất là các bệnh viện, nhằm thực hiện tốt nhất chức năng chăm sóc và điều trị bệnh nhân.

Ong Nguyen Van Muoi

Ong Nguyen Van Muoi 2

 Ông Nguyễn Văn Mười – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Anh Tuấn

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Mười – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang lưu ý các địa phương tập trung quyết liệt, siết chặt thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo mục tiêu hạn chế người dân ra đường theo quy định. Đối với các địa phương, nhất là Thị xã Gò Công, thành phố Mỹ Tho, cần kiểm soát xử lý nhanh các ổ dịch mới phát sinh. Chợ Gạo, thị xã Gò Công cần quản lý chặt người đi lại vì có giáp ranh với tỉnh bạn.

Ông đề nghị các địa phương đã hoàn thành bước 1 Công điện 1168 về tầm soát, khi chuyển sang giai đoạn 2 phải trên cơ sở đánh giá lại quy mô từng vùng, mới lên kế hoạch, để thực hiện tốt theo phương án của Tổ công tác Bộ y tế. Lần này tầm soát bằng test nhanh mẫu gộp.

Đối với công tác tiêm vắc-xin, Tiền Giang đã tiếp nhận 5 đợt vắc-xin của Bộ Y tế và đang tổ chức tiêm vắc-xin đợt 5. Nội dung được đề cập nhiều nhất từ lãnh đạo các địa phương nêu tại cuộc họp là những khó khăn trong tiếp nhận, triển khai thực hiện tiêm vắc-xin Covid 19, tiến độ tiêm vắc-xin còn chậm… Liên quan đến va61bn đề này, ông Trần Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần đặt hiệu quả lên hàng đầu và đảm bảo an toàn trong tiêm vắc-xin, cũng như trong bảo quản. Ngành y tế cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin bằng các giải pháp linh hoạt, hợp lý qua điều phối vắc-xin giữa các địa phương và ngành y tế.

Về tiến độ tiêm vắc-xin còn chậm, ông Nguyễn Văn Mười – Phó Chủ tịch UBND cho rằng, các huyện nên thống nhất xem lại số vắc-xin còn lại để phân bổ cho từng xã tổ chức thực hiện; đảm bảo tiêm đúng 7 nhóm đối tượng theo quy định. Phải khẩn trương tiêm vắc-xin để bảo vệ vùng xanh, tiêm vắc-xin cho vùng nguy cơ cao để kiểm soát dịch, huy động thêm các đơn vị y tế khác đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho địa phương ưu tiên, trong đó có thành phố Mỹ Tho, địa phương có số ca F0 cao nhất tỉnh. Ngoài ra, cần quan tâm đến tiêm vắc-xin cho công nhân, nhất là công nhân thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Ong Vo Van Binh 2

Ong Vo Van Binh 1

Ông Võ Văn Bình – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh Anh Tuấn

Qua phân tích đánh giá của Ban chỉ đạo tỉnh và ý kiến của lãnh đạo các địa phương, ông Võ Văn Bình – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang lưu ý các địa phương không được chậm trễ trong việc tiếp nhận và tổ chức tiêm vắc-xin, đồng thời sẽ điều động vắc-xin của địa phương không làm tốt, phân bổ sang địa phương khác.

Ông Võ Văn Bình – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để làm tốt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới, yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, nhưng không vì thực hiện Chỉ thị 16, mà chậm trễ chi hỗ trợ cho người dân khó khăn. Cần giám sát việc sinh hoạt, suất ăn của người bệnh tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Điều trăn trở hiện nay là tỷ lệ tử vong của tỉnh còn cao, ông Võ Văn Bình yêu cầu ngành y tế huy động nguồn lực, nhân lực tập trung cho công tác điều trị, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, cũng như phải tổ chức chu đáo hậu sự cho các bệnh nhân. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu tiếp tục tuyên truyền cho người dân biết chủ trương thực hiện, để người dân không hoang mang, lo lắng và tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Thanh Xuân