Tứ kết World Cup: 2 trận “derby”

Có sự trùng lặp khá thú vị ở World Cup lần này là khi cả 2 trận tứ kết đầu tiên diễn ra vào đêm 4 và rạng sáng 5/7 (giờ Việt Nam) đều là những cuộc đối đầu của các đội bóng cùng châu lục – châu Âu và Nam Mỹ.Pháp-Đức: Cuộc hẹn 28 năm

Trận đấu đầu tiên ở vòng tứ kết World Cup 2014 diễn ra lúc 23 giờ đêm nay (4/7 giờ Việt Nam) là cuộc đụng độ thứ 4 trong khuôn khổ một giải vô địch thế giới giữa đội tuyển Pháp và đội tuyển Đức. Đây cũng là trận đối đầu sau 28 năm giữa 2 đội kể từ trận gần nhất khi họ gặp nhau ở bán kết Mexico 86.

Với những “chú gà trống Gaulois”, những cuộc đụng độ trước đó chẳng bao giờ là kỷ niệm đẹp.

Ngoại trừ chiến thắng vào năm 1958, trong 2 trận đấu kế tiếp và đều ở vòng bán kết World Cup (1982 và 1986), đội tuyển Pháp đều thua cuộc. Thậm chí những thất bại này còn trở thành nỗi ám ảnh cho đến tận hôm nay khi trên mặt các tờ báo Pháp xuất hiện thuật ngữ – “Angstgegner-Kẻ đáng sợ” – khi nói về đội tuyển Đức.

Sự ám ảnh là có thật, vì bất chấp dưới sự dẫn dắt của cựu danh thủ Didier Deschamps, tại VCK lần này, đội tuyển Pháp vào tới vòng bán kết với 4 trận thắng liên tiếp, ghi được 10 bàn thắng và mới chỉ lọt lưới 2 lần. So với năm 2010, trên đất Brazil lần này là đội tuyển Pháp hoàn toàn khác, đoàn kết hơn, chơi đồng đội gắn bó hơn.

Nhưng sau những trận đấu vừa qua, Pháp vẫn chưa thể hiện được nhiều so với danh tiếng của mình. Từ Thụy Sĩ đến Ecuador, Honduras ở vòng bảng, cho đến Nigeria tại vòng 1/8 đều chưa phải là những đối thủ lớn.

Quan trọng hơn, sự đồng đều của các cầu thủ Pháp không ở mức cao, khi thiếu những ngôi sao đủ khả năng tự xoay chuyển trận đấu, khiến lối chơi của tuyển Pháp cũng thiếu đi sự đột biến cần thiết trước đội bóng chơi kỷ luật, chặt chẽ kiểu Đức.

Có đủ những quân bài tốt nhất trong tay, có thể HLV Deschamps vẫn chọn lối chơi chậm chắc ở phần sân nhà, rồi tung ra những đợt tấn công tốc độ với 2 bộ ba ở khu vực phía trên. Hàng tiền vệ là Pogba, Matuidi và Valbuena để hỗ trợ bộ ba tấn công Benzema, Giroud và Griezmann mỗi khi có cơ hội lên bóng cũng như trong các tình huống phòng ngự.

Trong khi đó ở mỗi tuyến, đội tuyển Đức kỳ này vẫn có 1 ngôi sao. Đó là thủ môn Neuer, người có thể chơi như… trung vệ; hậu vệ đội trưởng Lahm; khu vực giữa sân với Schweinsteiger, Kroos và hàng công cực khủng là bộ ba: Ozil-Goetze-Mueller. Đó chính là điểm trội của cỗ xe tăng Đức.

Sự chênh lệch là không lớn và đội nào tận dụng tốt hơn cơ hội sẽ đi tiếp. Nhưng dù là Pháp hay Đức thì đó cũng là điều đáng tiếc, bởi châu Âu sẽ… mất thêm 1 đại biểu ưu tú trong cuộc chinh phục mới trên đất Nam Mỹ xa xôi.

Brazil-Colombia: Cuộc đọ sức của hai số 10

Những số 10 đã ngày càng trở nên hiếm trong bóng đá hiện tại nhưng ở World Cup 2014, có hai số 10 đích thực, đó là Neymar của chủ nhà Brazil và chân sút James Rodriguez của Colombia mà cuộc đối đầu của họ chính là tâm điểm của trận “derby” thứ hai, cuộc đối đầu giữa 2 đội bóng Nam Mỹ quen thuộc.

Dù là chủ nhà, nhưng lối chơi lẫn phong độ của Brazil đang bị chỉ trích dữ dội, vì so với những đội hình trước đây từng bước lên ngôi vô địch thế giới, Brazil hiện chỉ có 1 ngôi sao đáng kể – số 10 Neymar.

Với khả năng chơi bóng kỹ thuật, bùng nổ, tiền đạo đang khoác áo CLB Barcelona (Tây Ban Nha) được coi là linh hồn, là nguồn cảm hứng cho Brazil trong mỗi đợt lên bóng. Không hề quá lời khi nhận định rằng, thiếu Neymar, chủ nhà chỉ còn là 1 đội bóng hạng trung với những “công nhân” trên sân cỏ chứ không phải là vũ đoàn samba.

Còn với Colombia, số 10 James Rodriguez lại là niềm cảm hứng mới đã giúp bóng đá nước này làm nên lịch sử khi lần đầu tiên vào tới vòng tứ kết World Cup.

Thể hiện phong độ ấn tượng ở vòng bảng, James Rodriguez thực sự bùng nổ với 2 kiệt tác trong trận Colombia thắng Uruguay 2-0. Những kiệt tác mà chính người Brazil cũng phải thán phục.

Vì vậy, trong trận đấu rạng sáng ngày 5/7 (giờ Việt Nam), Neymar hay James Rodriguez sẽ tiếp tục tỏa sáng để đưa đội tuyển của mình vào bán kết? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước, nhưng người hâm mộ Brazil đang lo sợ đội nhà… thất bại.

Với Colombia, trận “derby” này còn mang một ý nghĩa sâu xa khác: Trận đấu tưởng nhớ Escobar, hậu vệ đội tuyển Colombia tại VCK World Cup 94 đã bị sát hại sau trận thua đội tuyển Mỹ 1-2 ở vòng bảng. Mang hình ảnh Escobar trong tim sẽ là động lực mạnh mẽ để các cầu thủ kế tiếp anh khẳng định vị thế của bóng đá Colombia.

Từ sau World Cup 94, bóng đá Colombia ít ghi được dấu ấn trên đấu trường quốc tế. Nhưng đến VCK lần này, họ đã lập được kỳ tích vào tới vòng bán kết. Vì thế, trong trận đấu “không còn gì để mất” này, biết đâu Colombia sẽ làm được điều kỳ diệu-hạ gục chủ nhà VCK 2014.

Nguồn Chinhphu.vn