Từ chức, miễn nhiệm theo Quy định 41: Giá trị của “đạo làm quan”

Việc cán bộ xin từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo Quy định 41 thể hiện những giá trị tốt đẹp, tinh hoa trong đạo làm quan, đạo làm chính khách của các nhà chính trị ở phương Đông, phương Tây trước nay.

Thời gian qua, không ít cán bộ cấp tỉnh đến Trung ương làm đơn xin từ chức, thôi chức. Người từ chức vì liên quan đến sai phạm ở địa phương do mình phụ trách, người từ chức vì chưa hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc không đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thực hiện theo Quy định 41 ngày 3/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương có tác động tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Bản lĩnh của cán bộ

 Cuối năm 2022, HĐND tỉnh Bình Thuận và một số tỉnh, thành phố tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đối với cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh theo nguyện vọng cá nhân.

Trong khoảng thời gian cuối năm 2022, 3 Uỷ viên Trung ương Đảng cũng tự nguyện xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương và chức vụ lãnh đạo quản lý. Tiếp đó là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Trong số các lãnh đạo địa phương và Trung ương xin thôi chức vụ, có người bị kỷ luật vì những vi phạm trong công tác quản lý, người thì chịu trách nhiệm chính trị trong vai trò người đứng đầu.

Ông Mai Thanh Hà, ở TP.HCM cho rằng, việc cán bộ, lãnh đạo cấp cao viết đơn xin thôi chức tạo được dư luận tốt trong nhân dân.

“Sự tích cực ở đây là các cán bộ này dám dũng cảm đệ đơn xin từ chức. Điều này tạo nên dư luận rất tốt trong tư tưởng người dân. Họ dám từ quan để về làm dân và điều đó cho thấy rằng, văn hoá từ chức ở Việt Nam đang dần dần được lan tỏa. Không phải từ dưới đi lên mà từ trên xuống”, ông Mai Thanh Hà cho biết.

Việc thôi chức, miễn nhiệm chức vụ trong Đảng, trong chính quyền được thực hiện theo Quy định số 41 ngày 3/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương, bước đầu cho thấy tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ của Đảng trong công tác cán bộ.

Nói về tinh thần của Quy định 41, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tổ chức đầu tháng 12/2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, ở các thể chế chính trị khác, từ chức thường rơi vào hai việc. Thứ nhất, đó là cán bộ, lãnh đạo có sai lầm trong công tác. Thứ hai là do sức ép trong nội bộ Đảng, sức ép của dư luận xã hội.

Theo ông Võ Văn Thưởng, cần phải đặt ra một sức ép trong Đảng, trong xã hội, trong tổ chức để cán bộ tự nguyện từ chức khi có khuyết điểm, sai phạm. Nếu những nhiệm kỳ trước, có những lãnh đạo bị kỷ luật cảnh cáo vẫn tại vị, vẫn làm hết nhiệm kỳ, thì nhiệm kỳ này, khi cán bộ bị cảnh cáo cũng xin từ nhiệm. Đây cũng là cách làm theo văn hóa của Việt Nam, để từ đó công việc tốt hơn lên.

“Tôi tin rằng với xu hướng này thì sắp tới cũng sẽ tốt hơn. Rồi tới các Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch cũng có. Chủ tịch từ chức để đảm nhận nhiệm vụ thấp hơn theo tinh thần là ngã chỗ nào đứng dậy chỗ đó mà cố gắng làm và nỗ lực khắc phục khó khăn”, ông Võ Văn Thưởng cho biết.

Sàng lọc cán bộ, giúp Đảng mạnh hơn

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hải – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Quốc phòng), việc từ chức, miễn nhiệm theo Quy định 41 góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, cương vị lãnh đạo mà nhân dân giao phó.

Trong công tác nhân sự, thời gian qua, với những cán bộ sai phạm, Đảng ta đã xử lý rất nghiêm minh, dù người đó ở vị trí công tác nào. Việc này đáp ứng được mong mỏi của toàn Đảng, tạo được niềm tin của nhân dân.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Hải, việc miễn nhiệm, từ chức khi chưa hết nhiệm kỳ theo Quy định 41 giúp sàng lọc cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành. Từ đó làm cho Đảng mạnh hơn, xứng đáng với vai trò là Đảng cầm quyền, cũng như bảo vệ, phát huy được sức mạnh của cán bộ dám làm, hết mình vì nhân dân, tránh tình trạng đổ lỗi cho nhau, không dám mạnh dạn xử lý cán bộ có khuyết điểm.

“Trước đây, một cán bộ khi vi phạm thì chủ yếu xử lý trong nội bộ một cách rất bình thường, rút kinh nghiệm, hoặc cao lắm là khiển trách, rồi nhìn vào cấp trên và chờ cấp trên chỉ đạo. Nhưng Quy định 41 này chỉ rõ, ai là người cất nhắc, bổ nhiệm, thì cấp đó phải xử lý. Nếu không làm được thì cấp trên sẽ chỉ đạo và xử lý một cách nghiêm túc”, PGS.TS Nguyễn Đức Hải phân tích.

PGS.TS Huỳnh Thị Gấm, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị khu vực 2 đánh giá, những năm qua, việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm được thực hiện rất nghiêm, đảm bảo công khai, kịp thời “không vùng cấm”. Nhưng bên cạnh sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, Quy định 41 luôn thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

“Việc thực hiện Quy định 41 thể hiện những giá trị tốt đẹp, tinh hoa trong đạo làm quan, đạo làm chính khách của các nhà chính trị ở phương Đông, phương Tây trước nay. Quy định này khá chặt chẽ nghiêm minh, nhưng cũng thể hiện đạo lý sâu sắc tính nhân văn, nhân ái, nghĩa tình. Đây là sự kế thừa những kinh nghiệm quý báu từ văn hóa chính trị của Việt Nam từ thời trước”, bà Huỳnh Thị Gấm cho biết.

Quy định 41 bước đầu được triển khai là cơ sở để thể hiện lòng tự trọng khi cán bộ có sai phạm nhưng chưa đến mức cách chức hay vì lý do chính đáng khác. Việc thực hiện quy định này, giúp cán bộ các cấp, các ngành ở Trung ương, địa phương tự soi, tự sửa, tự phấn đấu để nâng cao năng lực trí tuệ, tu dưỡng đạo đức, phục vụ sự nghiệp chung./.

Nguồn vov.vn