Truyền hình – Cần những thay đổi tích cực

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu thưởng thức của người dân ngày càng được nâng cao, ngành truyền hình cũng buộc phải có những thay đổi mạnh mẽ, để phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, cơ chế thị trường và những thói quen cố hữu trong việc đánh giá lượng người xem, lại chính là những hạn chế khiến thị trường và hoạt động truyền hình trở nên rối ren, bất ổn.

Có nên trông chờ vào chỉ số rating?

Khi việc xã hội hóa truyền hình đã trở nên quen thuộc, ngày càng có nhiều kênh, chương trình truyền hình được phát sóng trên khắp các đài truyền hình, nhất là những đài truyền hình lớn, thì nguồn thu từ những kênh, chương trình này góp phần lớn vào ngân sách của các đài truyền hình. Để thu hút được nhiều quảng cáo vào kênh, chương trình, người ta buộc phải có số liệu người xem và đó là lý do tất cả các đài truyền hình, các đơn vị liên kết với đài phải mua số liệu người xem từ đơn vị chuyên thực hiện công việc “đo rating”. Hơn chục năm nay, Công ty TNS Việt Nam  (gọi tắt là TNS, thuộc Tập đoàn Kantar Media – Anh) chiếm vị trí độc quyền trong lĩnh vực này. Nhưng những vụ lùm xùm về các con số mà TNS đưa ra cho khách hàng (chủ yếu là các đài truyền hình, các công ty truyền thông, quảng cáo) trong thời gian qua, khiến hầu hết đều có chung nhận định “đó là những con số ảo, khó tin cậy”. Tuy nhiên, các nhà đài vẫn phải mua số liệu từ TNS vì các doanh nghiệp căn cứ vào những số liệu này để quyết định mua quảng cáo. “Vấn đề đây là những số liệu ảo, không đáng tin. Có những kênh, chương trình không ai xem, nhưng vì có số liệu cao ngút trời nên doanh nghiệp cứ mua quảng cáo vào kênh, chương trình đó. Như thế doanh nghiệp vừa mất số tiền lớn mà lại không đạt hiệu quả gì”, Giám đốc một đài truyền hình bức xúc.

Bản thân các đài truyền hình cũng phải bỏ ra số tiền rất lớn để mua những số liệu từ TNS, số tiền này dao động (tùy vào yêu cầu “đo”) từ 10.000 – 300.000USD/năm. Dù biết mất nhiều tiền cho việc mua số liệu người xem, nhưng các đài phải chấp nhận mua, vì không mua đồng nghĩa với việc không bán được quảng cáo!

Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài Truyền hình Vĩnh Long, cho rằng: “Một số kênh và khung giờ giao cho tư nhân thực hiện là có bất cập. Có những chương trình không được đầu tư nội dung, không nhận được sự quan tâm của khán giả, nhưng lại có chỉ số rating rất cao, như vậy chỉ có thể là con số ảo mà thôi. Tôi nghĩ các doanh nghiệp phải tỉnh táo, tẩy chay số liệu ảo, bởi đầu tư tiền vào số liệu ảo là tự sát”.

Người dân tìm hiểu dòng tivi có tính năng tích hợp để xem được truyền hình công nghệ số mặt đất mà không cần set-top-box Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Từ ngày 1-3-2016, Trung tâm Đo kiểm và dịch vụ phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (PTTH-TTĐT), gọi tắt là Vietnam Tam, trực thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông đã chính thức đi vào hoạt động, trong đó có lĩnh vực đo rating truyền hình. Như vậy, có thể xem như thế độc quyền của TNS đã bị xóa bỏ. Hiện Vietnam Tam có khoảng 20 đơn vị tham gia dùng thử. Có số liệu từ Vietnam Tam, các đài truyền hình có thêm sự so sánh, đối chiếu về các con số. Theo đại diện của SCTV, kết quả của TNS và Vietnam Tam cho một số chương trình truyền hình là khác nhau hoàn toàn. Cũng một kênh, chương trình, nhưng số liệu của TNS cho ra từ 3.0, 4.0 thậm chí 6.0, nhưng của Vietnam Tam chỉ được 1.0 đến 2.0; cá biệt có khi bằng 0. Điều này càng chứng minh cho những nhận định về sự thiếu minh bạch, trung thực trong cách đo của TNS thời gian qua là có cơ sở. Theo ông Lê Quang Nguyên: “Hai hệ thống đo của cả TNS và Vietnam Tam đều sử dụng công nghệ tiên tiến mà thế giới đang dùng, nhưng vấn đề ở đây chính là con người tác động vào phương pháp thống kê, chọn mẫu. Khi TNS cung cấp những số liệu không trung thực, nghĩa là hàng tỷ đô la của các doanh nghiệp được đầu tư hàng năm, nhưng không hiệu quả”. Ông Trần Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông Lasta, cho biết: “Việc có thêm một đơn vị đo rating là rất tốt, vì tạo được sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực này, giúp doanh nghiệp và nhà đài có những số liệu thật sự chính xác”.

Truyền hình ồn ã nhưng… buồn!

Nhìn vào hoạt động bề nổi hiện nay thì thấy lĩnh vực truyền hình dường như ồn ào hơn, sôi động hơn với sự ra đời hàng loạt chương trình gameshow, các cuộc thi hát, thi hài từ người lớn đến trẻ con, từ chuyên nghiệp đến không chuyên. Theo số liệu từ Cục PTTH-TTĐT, hiện nay trên cả nước có 103 kênh truyền hình quảng bá, 76 kênh truyền hình trả tiền. Việc xã hội hóa truyền hình đã làm cho thị trường truyền hình hoạt động sôi nổi hơn. Hàng loạt kênh, chương trình truyền hình được ra đời, với nhiều cơ chế mở khiến doanh nghiệp tìm thấy cơ hội kinh doanh tốt từ việc đầu tư sản xuất chương trình truyền hình. Tuy nhiên, chính sự dễ dãi trong việc quản lý một số kênh, chương trình truyền hình xã hội hóa nên đã xảy ra những sự cố về sự quá đà trong cách thể hiện, hoặc những lùm xùm trong khâu tổ chức.

Trong khi đó, truyền hình quảng bá với nhiều quy định chặt chẽ và phải thực hiện nhiệm vụ chính trị nên hoạt động khó khăn hơn và nguồn thu vì thế cũng hạn hẹp hơn. Hiện nay, nhiều đài truyền hình địa phương không có kinh phí để hoạt động, hoặc nếu có cũng rất ít, chỉ chừng 10 – 20 tỷ đồng/năm – không bằng nguồn thu của một chương trình xã hội hóa! Những người làm truyền hình yêu nghề, giờ đây đều có chung một tâm trạng, thấy mình lạc lõng giữa vòng quay của thị trường.

Việc chuyển đổi công nghệ truyền dẫn phát sóng từ truyền hình tương tự mặt đất (analog) sang công nghệ số mặt đất (chuẩn DVB-T2) là thay đổi được giới làm truyền hình đón nhận và ủng hộ. Từ ngày 16-8-2016, các kênh, chương trình truyền hình tại 5 thành phố, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ đã được chuyển đổi hoàn toàn sang phát sóng công nghệ số mặt đất. Để xem được truyền hình số, người sử dụng cần thêm đầu thu (set-top-box) công nghệ DVB-T2 hoặc tivi có tích hợp chức năng này. Với công nghệ số mặt đất, hiện nay, tại những vùng đã phủ sóng truyền hình số mặt đất, người dân có thể xem được từ 40 đến hàng trăm kênh, chương trình miễn phí với chất lượng cao. Đầu thu STB có giá vài trăm ngàn đồng, nhưng được biết, với những hộ dân nghèo, nhà nước sẽ hỗ trợ miễn phí bộ đầu thu này.

Tháng 11, truyền hình trả tiền sẽ tiến hành tổ chức đại hội chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới. Cuối tháng 9 có một hội nghị triển khai về công tác đo lường, định lượng khán giả truyền hình. Việc quy hoạch và đường hướng phát triển ngành truyền hình; đo rating truyền hình sao cho hiệu quả, chính xác và trung thực luôn là những vấn đề rất được những người làm truyền hình quan tâm, nhất là trong thời buổi các chương trình truyền hình “mọc” ra nhiều, nhanh và đóng vai trò chủ yếu trong doanh thu truyền hình hiện nay.

Nguồn Báo SGGP Online