Trung Quốc và mối đe dọa khủng bố phải đối mặt

Liên tiếp trong thời gian vừa qua, Trung Quốc phải đối mặt với những hệ quả nặng nề từ các vụ tấn công khủng bố đẫm máu, không chỉ gây ra những tổn thất lớn về người và tài sản mà còn làm dấy lên những lo ngại về mối đe dọa an ninh ngay trong chính nội tại của quốc gia này.

Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, một loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu đã xảy ra tại Trung Quốc: Vụ việc đầu tiên tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh (ngày 28/10/2013), các cuộc tấn công tại nhà ga Côn Minh (tháng 3/2014), đánh bom khủng bố tại Urumqi (ngày 30/4) …

Các biện pháp khẩn cấp để cứu những người bị thương trong vụ khủng bố xảy ra
sáng 22/5 tại Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã)

Tấn công đẫm máu vào thời điểm buổi sáng, khi chợ đang đông đúc

Theo thông báo chính thức của cơ quan chức năng Trung Quốc, vụ đánh bom khủng bố xảy ra tại thành phố Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương vào 07h50 ngày 22/5 (theo giờ địa phương) đã làm ít nhất 31 người thiệt mạng và 94 người bị thương.

Cảnh sát Trung Quốc cho biết: 2 chiếc xe ô tô không mang biển số đã nhằm thẳng vào đám đông ở trước cửa một công viên của thành phố, sau đó phát nổ gây thương vong lớn. Cảnh sát nước này lập tức có mặt, phong tỏa hiện trường và áp dụng các biện pháp khẩn cấp. Toàn bộ những người bị thương đã được đưa đi bệnh viện.

Thời điểm buổi sáng khi xảy ra cuộc tấn công là một trong những thời điểm trong ngày, khi các khu chợ bán rau quả và thịt của Trung Quốc hoạt động sôi nổi nhất.

Theo hãng tin AFP, các hình ảnh được cho là chụp tại chỗ – ở trung tâm thành phố – và được đăng tải trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cho thấy, nhiều thi thể nằm la liệt giữa những ngọn lửa trên một tuyến phố, những thi thể khác nằm ngay sau một chiếc xe tải và đám khói đen bốc lên trên các quầy hàng của một khu chợ, sau hàng rào cảnh sát.

Tân Hoa xã dẫn lời một nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, đã nghe thấy nhiều “tiếng nổ lớn” khi vụ tấn công xảy ra.

“Đã có rất nhiều vụ nổ mạnh trong phiên chợ sáng nay tại Cung Văn hóa của Urumqi”, một cư dân mạng Trung Quốc viết trên trang mạng Weibo; đồng thời nói thêm rằng, anh đứng cách đó chưa đầy 100m. “Tôi thấy lửa và khói bốc lên mù mịt từ xe cộ và hàng hóa, còn người bán hàng bỏ của chạy thoát thân”, nhân chứng này cho hay.

Hiện chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Trong khi đó, cảnh sát Tân Cương cáo buộc Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan là thủ phạm gây ra vụ tấn công ở nhà ga Urumqi hôm 30/4, và đang tiến hành truy nã một thành viên của nhóm này bị tình nghi lên kế hoạch cho vụ tấn công từ nước ngoài.

Tân Hoa xã đưa tin cho biết, phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh: “Vụ bạo lực này, một lần nữa cho thấy sự hận thù của những kẻ khủng bố đối với nhân loại, xã hội và nền văn minh, đáng bị lên án bởi người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế”.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra chỉ thị, yêu cầu các lực lượng chức năng nhanh chóng điều tra vụ việc, nghiêm khắc trừng trị các phần tử khủng bố, kịp thời chữa trị cho người bị thương, đề phòng khả năng xảy ra hiệu ứng dây chuyền, tiếp diễn các vụ tấn công khác.

Cũng ngay trong ngày 22/5, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn đã dẫn đầu đoàn công tác đặc biệt đến Tân Cương chỉ đạo điều tra vụ án và xử lý các công việc liên quan.

Cảnh sát được tăng cường sau khi xảy ra vụ khủng bố tại Tân Cương vào sáng 22/5
(Ảnh: Tân Hoa xã)

Khủng bố – mối đe dọa nội tại đối với an ninh của Trung Quốc

Vụ tấn công xảy ra ngay sau khi Trung Quốc kết án tù 39 đối tượng vì tội truyền bá các đoạn băng ghi hình khủng bố trong bối cảnh nước này đang thắt chặt an ninh sau hàng loạt vụ tấn công đẫm máu tại các khu vực công cộng trong thời gian gần đây.

Đây là vụ tấn công thứ hai tại thành phố Urumqi trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây. Vụ việc cho thấy, bất ổn đang leo thang mạnh ở Tân Cương, nơi phong trào ly khai đã có nhiều cuộc tấn công vào các mục tiêu là cảnh sát và chính quyền suốt những thập kỷ qua.

Gần đây nhất, vào ngày 30/4 – ngày cuối cùng trong chuyến thăm Tân Cương của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, những kẻ tấn công bằng dao và chất nổ ở nhà ga đường sắt phía Nam Urumqi đã sát hại 3 người và làm 79 người khác bị thương. Nhà chức trách Trung Quốc coi đây là một vụ tấn công khủng bố.

Không chỉ xảy ra ở Tân Cương, các vụ tấn công cũng đã lan rộng ra một số địa phương khác của Trung Quốc, trong đó có các vụ tấn công ở các nhà ga như: Vụ khủng bố ở Vân Nam hồi đầu tháng 3 khiến 29 người thiệt mạng và 143 người bị thương. Cảnh sát cũng đã bắn chết 4 người trong vụ việc này.

Kể từ năm 2013 đến nay, các nhóm Hồi giáo cực đoan gia tăng hoạt động khủng bố ở Trung Quốc. Những phần tử khủng bố ở quốc gia này tiến hành nhiều vụ tấn công, sử dụng các loại vũ khí đơn giản như: Dao, bom tự chế…

Tại khu tự trị Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đa số và luôn tố cáo chính quyền Bắc Kinh, do sự đàn áp văn hóa, các biện pháp an ninh không phù hợp và việc nhập cư của hàng loạt người Hán, đã dẫn đến sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng kinh tế kéo dài. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng, các chính sách của chính quyền đã đem lại sự thịnh vượng và mức sống cao hơn cho những người dân nơi đây và luôn mạnh tay với những thành phần mà chính quyền nước này gọi là “ly khai và Hồi giáo quá khích”…

Theo AFP, Bắc Kinh luôn quy trách nhiệm cho các phần tử ly khai người Duy Ngô Nghĩ, cho Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) và Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) là thủ phạm gây ra các vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quốc tế lại hoài nghi về tầm ảnh hưởng thực sự của đảng TIP. Thậm chí, một số nhà phân tích còn cho rằng, vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra sáng 22/5 là một dấu hiệu mới cho thấy một thành phần trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ bắt đầu đi theo đường lối cực đoan.

Có thể thấy rõ ràng rằng, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những nguy cơ không hề nhỏ từ mối đe dọa khủng bố trong chính nội tại của nước này khi liên tiếp phải chứng kiến những vụ bạo lực đẫm máu xảy ra. Cách đây không lâu, ngày 26/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng từng tuyên bố: “Chúng ta phải nhận thức rõ rằng, trong tình hình mới, nước ta đang phải đối mặt với các mối đe dọa và thách thức ngày càng tăng với an ninh quốc gia và các mối đe dọa với sự ổn định xã hội”, đồng thời khẳng định “quyết tâm dập tắt những kẻ khủng bố vô liêm sĩ”.

Mối đe dọa đối với an ninh Trung Quốc ngày càng lớn, vì giờ đây, thế lực khủng bố đã phát triển từ chỗ chủ yếu mang đặc điểm phân tán thành tập đoàn tội phạm khủng bố hiện đại có tổ chức, có kế hoạch và có huấn luyện. Đặc biệt, hoạt động khủng bố hiện nay diễn ra ngày càng thường xuyên và có liên hệ chặt chẽ với các tổ chức khủng bố quốc tế. Không những thế, nhiều chuyên gia còn nhận định, đối tượng bị tấn công trong các vụ khủng bố ở Trung Quốc giờ đây không còn đơn thuần nhằm vào chính quyền, cảnh sát, mà nhằm cả vào những người dân vô tội, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, thậm chí người già, trẻ em cũng đều có thể trở thành nạn nhân của những vụ khủng bố. Khu vực tấn công đã mở rộng, tạo thù hận lớn hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn.

Có lẽ chưa bao giờ tiếng chuông cảnh báo về an toàn tính mạng và an ninh trật tự xã hội lại được dấy lên mạnh mẽ như ở Trung Quốc vào thời điểm hiện nay./.

Nguồn http://dangcongsan.vn