Trung Quốc trấn an và gây mơ hồ dư luận

Tại Diễn đàn Bác Ngao 2016, về chính trị, Bắc Kinh vẫn nói một đường làm một nẻo.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) thành lập năm 2001 trải qua 15 năm hoạt động. BFA do một số nước đồng sáng lập, được tổ chức thường niên tại thị trấn Bác Ngao, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), nhằm tập trung thảo luận những vấn đề kinh tế và chính trị nổi cộm, đồng thời tìm kiếm các biện pháp giải quyết những vấn về an ninh, chính trị và kinh tế mà châu Á phải đối mặt. Ngày nay, BFA là một công cụ chính sách và tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc.

1

Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại Bác Ngao: “Không nên lo ngại kinh tế Trung Quốc đánh mất tốc độ”

 

Quy mô kinh tế châu Á: các mặt thuận nghịch

Trải qua hai cuộc khủng hoảng tài chính (1997 và 2008), châu Á vẫn là khu vực có sức sống kinh tế và tiềm lực phát triển nhất toàn cầu. Hơn 10 năm qua, quy mô thương mại trong khu vực đã mở rộng từ 1000 tỷ USD lên 3000 tỷ USD, tỉ lệ tương mại của các nước trong khu vực nâng từ 30% lên 50%.

Các số liệu cho thấy năm 2015, châu Á đóng góp 44% cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới, khối lượng giao dịch chiếm khoảng 1/3 quy mô thương mại của thế giới.

Năm 2015, kinh tế châu Á tăng trưởng 6,6%, năm nay dự kiến là 6,5%. Đây là một điểm sáng rõ rệt trong tình hình kinh tế thế giới vẫn còn yếu.

Tuy nhiên, kinh tế châu Á đang ở thời kỳ tương đối khó khăn trong mấy năm gần đây, khi một số nước châu Á đối mặt với các vấn đề xuất khẩu sụt giảm, quy mô nợ mở rộng, kinh tế tiếp tục đi xuống, mô hình tăng trưởng kinh tế của châu Á gặp phải thách thức tương đối lớn…

Ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đối với kinh tế châu Á không ngừng mở rộng. Về trực tiếp, tổng lượng kinh tế của Trung Quốc bằng 1/2 tổng lượng kinh tế các nước đang phát triển ở châu Á cộng với lượng kinh tế Nhật Bản. Về gián tiếp, Trung Quốc đang điều chỉnh kết cấu kinh tế, nền kinh tế của một số nước châu Á cũng sẽ phải có những cải cách tương thích.

Hội nghị thường niên 2016 họp từ ngày 22-25/3 với chủ đề “Tương lai mới của châu Á: Sức sống mới và tầm nhìn mới”.

Diễn đàn năm nay công bố 3 báo cáo: “Hội nhập kinh tế châu Á”, “Báo cáo của các nền kinh tế mới nổi”, “Báo cáo sức cạnh tranh châu Á”. Các báo cáo bắt mạch nền kinh tế châu Á, cho thấy mức độ lệ thuộc nhau giữa các nền kinh tế châu Á không bằng mức cao nhất trong lịch sử, vai trò động cơ của thương mại châu Á đang mất đi. Trong hơn 20 năm qua, thương mại của châu Á luôn là động cơ quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, thậm chí tăng trưởng của kinh tế thế giới. Trước năm 2007, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của châu Á lên tới 17,4%, nhưng tới năm 2014, con số này chỉ còn 1,5%. Mức độ lệ thuộc của bản thân thương mại châu Á giảm từ mức cao nhất trong lịch sử vào năm 2014 là 59,79% xuống 53,01% năm 2013. Năm 2014 tuy nâng lên 55,65% nhưng kém xa so với mức kỷ lục vào năm 2012.

Trấn an thế giới

Năm nay, Bắc Kinh sử dụng diễn đàn Bác Ngao để trấn an dư luận quốc tế trong tình hình kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, ngày 23/4, Thủ tướng Lý Khắc Cường một lần nữa thể hiện sự tự tin của Trung Quốc, đưa ra một cách nhìn nhận về sự  giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc nói: “Không nên lo ngại kinh tế Trung Quốc đánh mất tốc độ, chúng tôi vẫn tăng trưởng với con số cao”. Mặc dù kinh tế Trung Quốc đang chậm lại nhưng năm 2015, GDP vẫn đạt 67.700 tỷ NDT, trên 10.000 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng có thể đạt tới 6,9% trong quá trình chuyển đổi chính là chỉ số tăng trưởng cao.

Thủ tướng Lý đã so sánh nền kinh tế Trung Quốc với chuyến tàu nhanh: “Chúng tôi muốn làm cho nền kinh tế vận hành ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Vận hành với tốc độ cao không những không kinh tế mà còn khó có thể tiếp tục, duy trì tăng trưởng ở mức trung bình cao là mục tiêu của chúng tôi. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 xác định ở mức 6,5%-7%, đây cũng là một phạm vi biên độ dao động mới, như vậy làm cho mục tiêu tăng trưởng có tính đàn hồi, phương thức mới điều tiết trong phạm vi dao động còn xác định ổn định vật giá là hạn mức cao nhất, đảm bảo việc làm là mức thấp nhất”.

Thủ tướng Trung Quốc đề xuất chủ trương làm sâu sắc hội nhập kinh tế khu vực, trọng tâm là thúc đẩy Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cần cố gắng hoàn thành đàm phán vào năm 2016. Đồng thời tiếp tục nhấn mạnh các công cụ và sáng kiến khu vực mà Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo, như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ con đường tơ lụa…

Thủ tướng Trung Quốc cho rằng đối thoại, hợp tác là “chìa khóa vàng”, kêu gọi các nước “trước sau kiên trì đối xử bình đẳng, chung sống hòa bình, nỗ lực tìm điểm đồng gác lại bất đồng thì có thể củng cố nền móng hòa bình, ổn định của khu vực”.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào các hành động thực tế của Trung Quốc tại khu vực cận biên, trong đó có vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, các nhà quan sát có thể nhận thấy, Bắc Kinh một lần nữa sử dụng Diễn đàn Bác Ngao vừa để trấn an dư luận, vừa để gây mơ hồ về ngoại giao./.

Nguồn http://toquoc.vn/