Trung Quốc: Lần đầu tiên ODI vượt FDI

Báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây cho biết, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu vốn ròng lần đầu tiên trong lịch sử nước này, với tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) vượt đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong năm 2014.

1

Theo báo cáo, Tổng số vốn ODI của Trung Quốc năm 2014 đạt 116 tỷ USD, tăng 15,5% so với năm trước. Trong tổng số vốn ODI này có 102,89 tỷ USD đầu tư vào các lĩnh vực phi tài chính, tăng 14,1%. Cả hai mức tăng trưởng này đều vượt mức tăng 1,7% của FDI vào Trung Quốc (đạt 119,6 tỷ USD). Tuy nhiên, nếu tính cả nguồn đầu tư của Trung Quốc thông qua bên thứ 3, thì tổng số vốn ODI của Trung Quốc năm 2014 đạt 140 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu vốn ròng. Các nhà đầu tư Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực bất động sản, kinh doanh và các tài sản khác, trong bối cảnh tăng trưởng trong nước đang chậm lại.

Việc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài là một phần chiến dịch cải tổ nền kinh tế của Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc thực hiện xu hướng chuyển dịch ra khỏi nền kinh tế truyền thống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất trong nước và xuất khẩu. Với công suất trong nước dư thừa, và một kho dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng, Bắc Kinh đang thúc giục các doanh nghiệp trong nước xem xét và chuyển hoạt động và đầu tư ra nước ngoài.

Khi Chính phủ Trung Quốc thực thi “quy tắc mới” nhằm đối phó với tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, các doanh nghiệp trong nước được Chính phủ nước này khuyến khích đầu tư vào các thị trường khác.

Mới đây, Reuters công bố báo cáo chi tiết hơn về những thay đổi chính sách tài chính của Trung Quốc. Đầu tiên, Bắc Kinh thực thi những chính sách thông thoáng hơn trên sàn giao dịch tiền tệ; điều này có nghĩa là các doanh nghiệp Trung Quốc có thể trao đổi tiền tệ mà không cần phải đăng ký với chính phủ. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho “các nhà sản xuất thiết bị lớn” đang cố gắng phát triển hoạt động của họ ngoài Trung Quốc.

Trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài, Chính phủ Trung Quốc đặt ra những ưu tiên rõ ràng. Dữ liệu về các khoản đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài do tổ chức Heritage Foundation công bố cho thấy, quốc gia này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng. Lĩnh vực này chiếm gần 400 tỷ USD trong tổng số 870 tỷ USD vốn đầu tư của Trung Quốc trên toàn thế giới từ trước tới nay. Trong đó chủ yếu là hoạt động thương mại liên quan đến dầu mỏ và khí đốt của các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày càng tập trung nhiều hơn vào năng lượng hạt nhân. Do nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc, nên việc quốc gia này tập trung nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các nguồn cung cấp năng lượng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Lĩnh vực lớn thứ hai mà Trung Quốc đầu tư ra ở nước ngoài là ngành giao thông vận tải, chiếm hơn 134 tỷ USD. Khu vực này được dự đoán sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm tới, khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy dự án Con đường tơ lụa. Cuối năm 2014, Trung Quốc công bố chi hơn 40 tỷ USD để phát triển con đường tơ kuaj trên bieent kết nối Trung Quốc với các nước Đông nam Á và sang khu vực vên Ấn Độ Dương.

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của các công ty Trung Quốc đã tăng từ 5,5 tỷ USD trong năm 2004 lên 56,5 tỷ USD năm 2009 và đạt 100 tỷ USD vào năm 2013.

Có ba yếu tố giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Thứ nhất là Trung Quốc đã tạo ra một thế hệ công ty đủ sức cạnh tranh quốc tế,  có thể cung cấp cho các nước đang phát triển những đoàn tàu tốc hành, trạm điện, máy móc khai mỏ và thiết bị viễn thông đủ chất lượng với giá cả thường thấp hơn nhiều so với các nhà cung cấp khác. Yếu tố thứ hai là sự hỗ trợ của một hệ thống ngân hàng được chính phủ huy động để hậu thuẫn cho các doanh nghiệp nói trên. Yếu tố thứ ba là mở rộng thị trường tiêu đồng Nhân dân tệ, để từng bước biến đồng nội tệ của Trung Quốc trở thành một đồng tiên phổ biên trên thế giới.

Đối với Trung Quốc, việc chuyển đổi vị thế từ nhận đầu tư sang một nhà đầu tư ròng là một bước chuyển biến hợp lý trong quá trình phát triển kinh tế. Bắc Kinh cũng nhìn thấy cơ hội chắc chắn để kết hợp giữa mục tiêu chiến lược và đầu tư ra nước ngoài./.

Nguồn VGPnew