Trứng hải âu ở Trường Sa

      Không biết trên thế giới, nơi sinh nở của loài chim có nhiều trứng như thế nào, còn Việt Nam thì trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa đã có cảnh tượng, không còn chỗ để đặt bước chân nếu như bạn không giẫm lên trứng và chim hải âu non mới nở. Chúng nằm dày đặc trên đảo, trong lớp cỏ và rau muống biển. 

Chim hải âu dập dềnh dày đặc ở Trường Sa. Ảnh: H.Hồng

Đảo Song Tử Tây là hòn đảo lớn, xa xa trông thấy những chụm cây gì đó, tới gần mới rõ đó là dừa. Trên đảo có ngọn hải đăng đặt trên 4 cây trụ cao 15 mét, xây từ thời Pháp thuộc đã cũ xưa. Ở khu phía Bắc đảo, đá được xây xếp cao trông như một lô cốt, trong đó có giếng nước lợ đã sạt lở, được ngư dân vùng ven biển Trung bộ Việt Nam tới đây đào đắp từ lâu đời. 
 
Đây là nơi cư trú lý tưởng về địa hình, khí hậu, nơi phồn thịnh nhất xứ của chim hải âu. Vừa bước chân lên đảo, từng đàn từng lớp hải âu cất cánh bay loạn xạ mù trời, dày đặc đến mức nếu hai người cùng đi chỉ cách nhau vài mét có khi không nhìn ra nhau. Chim hải âu bay đi bay về bay lên bay xuống như những đám mây xám dập dềnh, hạ xuống nâng lên mặt đảo.

Ban đêm những tiếng chim hải âu kêu chóc choác óc oác ầm ĩ cả vùng biển trời, như tiếng hòa âm của dàn nhạc giao hưởng có hàng ngàn nhạc cụ đang chơi hết cỡ. Mặt đất đầy cát, phủ da lớp rau muống biển có hoa tím y bò lan khắp đảo, vẽ lên một bức tranh thiên nhiên yên bình rực rỡ. Chim hải âu đẻ trứng dày đặc, tầng này nằm đè lên tầng kia, trứng cũ, trứng mới, trứng đang nở, vỏ trứng đã nở, cả chim non bò nhoai lùng rùng lổn nhổn khắp mặt đất. Hải âu có nhiều loại: trắng, đen, xám, khoang, lớn nhỏ, chúng phân chia ra từng khu vực riêng, đậu dày trên mặt đảo. 
 
Trên quần đảo Trường Sa đảo nào cũng có cây bụi lưa thưa, chủ yếu là cỏ và rau muống biển bò lan. Nhiều đảo có cây bàng vuông, một giống cây lạ chỉ có ở vùng đảo này, đêm xuống hoa bàng vuông nở như hình nón xòe màu sắc rực rỡ, khi mặt trời lên là hoa cúp lại. Cây phong ba, cây nhàu mọc rải rác các đảo, trên đảo Nam Yết có nhiều cây nhàu nhất, ăn thử trái nhàu thấy nó chan chát ngai ngái. Đảo Sơn Ca có cây da, lá tròn to, khía sắc. Đảo An Bang ở phía Đông Trường Sa, sau này được đổi tên thành đảo Phan Vinh (tên người Anh hùng Tàu Không số).

Lính hải quân và ngư dân ta lên cả các đảo Nam Côn, Trung Nghiệp, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… nhiều lần vào những năm 1970, 1971. Khi mà Tàu Không số khó vào được bờ biển miền Nam, chúng ta đã đi trinh sát vùng đảo Hoàng Sa, Trường sa, để đưa tàu vào đó núp né trú ẩn, nơi trung chuyển, tìm sơ hở của địch, lựa thời cơ để vào bờ biển miền Nam. Anh em chụp hình có mũi tàu và đảo về làm kỷ niệm. 
 
Các thùng trứng chim hải âu xếp đầy cả mạn tàu. Tàu còn lênh đênh ngoài biển, chưa về tới Hải Phòng, chim non đã nở ra hàng loạt, bò lổm ngổm chim chíp la liệt khắp sàn tàu, con nào mạnh đã chạy nhao nhao khắp tàu, đã có vài con khô lông đủ sức bay lên trời, nhiều con chưa biết bay, sức yếu, nhào cả xuống mặt biển đến tội nghiệp. Trứng hốt lên, có quả mới đẻ, có quả đã được sức nóng mặt trời “đang ấp”, trong thùng nóng đủ nhiệt độ, chúng đua nhau nở. Về đến cảng, thùng nào thùng ấy chỉ còn lại hơn phân nửa. 
 
Đã trên 40 năm, chuyện trứng chim hải âu ngày ấy nay nhắc tới vẫn còn đầy thích thú.