Trụ sở Bộ Ngoại giao được xếp hạng Di tích quốc gia

Chiều 26/8, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đối với Trụ sở Bộ ngoại giao Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tại Lễ trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đối với Trụ sở Bộ Ngoại giao. Ảnh: VGP/Hải Minh

Trụ sở Bộ Ngoại giao, do kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế năm 1924, khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1928 theo Đồ án Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị Đông Dương. Ban đầu, tòa nhà là Sở Tài chính Đông Dương.

Từ khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm trụ sở Bộ Ngoại giao, Tòa nhà là nơi diễn ra nhiều sự kiện, chứng kiến nhiều cuộc họp, quyết định lịch sử quan trọng, liên quan trực tiếp đến chính sách đối ngoại cũng như vận mệnh của đất nước. 12 Bộ trưởng Ngoại giao đã làm việc và tiếp nhiều đoàn cấp cao, nhân vật quốc tế quan trọng tại đây.

Về kiến trúc, tòa nhà có hệ mái ngói nhiều lớp kiểu kiến trúc phương Đông được thiết kế tinh tế, đặc biệt là lầu mái lớn ở khối trung tâm mặt đứng chính cùng với lớp mái phân tầng, che cửa sổ và mái tiền sảnh. Kiến trúc này kết hợp hài hòa với nhau tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Theo các nhà nghiên cứu, tòa nhà còn được gọi là nhà 100 mái.

Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, công trình Trụ sở Bộ Ngoại giao là sự hòa quyện hài hòa kiến trúc bản địa và kiến trúc Pháp, lấy yếu tố trọng tâm là vườn và phố, kết hợp sự đối xứng các trụ với nhau. Công trình này vừa mang vẻ đẹp thẩm mỹ, vừa mát về không gian lại chống được nóng ẩm và có công năng sử dụng tốt, có giá trị bảo tồn rất cao. Nó thể hiện bước tiến lớn về kiến trúc Pháp nói chung và kiến trúc Pháp tại Đông Dương nói riêng.

Trải qua gần trăm năm lịch sử, tòa nhà vẫn luôn được đánh giá là một kiến trúc đẹp, nổi bật tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Đông, góp phần tạo nên vẻ đẹp kiến trúc đô thị nói riêng và hấp dẫn của Hà Nội.

Là một trong những người đầu tiên vào tiếp quản trụ sở Bộ Ngoại giao tháng 10/1954 đồng thời cũng là người gắn bó với ngôi nhà này hơn nửa thế kỷ, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói: Có lẽ lúc ấy không ai có thể mường tượng được rằng, số 1 Tôn Thất Đàm sẽ trở thành chứng nhân lịch sử, ghi dấu và chứng kiến tất cả những chặng đường lịch sử đầy gian khó, thử thách và vinh quang của Ngoại giao Việt Nam, từ những ngày đầu miền Bắc xây dựng XHCN, mở rộng quan hệ đối ngoại, đến cục diện đánh-đàm và Hiệp định Paris lịch sử, từ những năm kiến quốc, rồi phá thế bao vây cấm vận đến ngoại giao thời mở cửa, đa phương hóa-đa dạng hóa, cho đến ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng ngày hôm nay.

Có thể nói một cách hình tượng đây là nơi chôn rau cắt rốn của nhiều thế hệ ngoại giao Việt Nam. Nhiều đồng chí đã vĩnh viễn ra đi, một số ít đồng chí lão thành vẫn còn sống từ ngày ấy, các lớp cao niên, trung niên và lớp trẻ lần lượt vào để tiếp nối truyền thống ngoại giao cách mạng Việt Nam – ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên chia sẻ.

Ông tin tưởng các thế hệ ngoại giao Việt Nam vẫn luôn đau đáu phải làm một điều gì đó để ghi lại dấu ấn của Ngoại giao Việt Nam tại nơi linh thiêng này, để số 1 Tôn Thất Đàm mãi mãi là hồn thiêng, là chỗ dựa vững chắc cho ngoại giao Việt Nam vươn cao, vươn xa, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và chấn hưng đất nước, vào sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc.

 

Chinhphu.vn