Triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020

(THTG)  Ngày 17/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị triển khai đề  án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 3320 của UBND tỉnh.

1

Ảnh: Minh Nguyên

        Mục tiêu của đề án là duy trì tốc độ tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh các loại nông sản chủ lực; Nâng cao thu nhập cho nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới; Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên kết hợp với ứng phó với biến đổi khí hậu để giai đoạn 2016-2020, giá trị tăng thêm khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 4% một năm, chiếm tỷ trọng từ 31,3- 32,7% tổng GRDP toàn tỉnh. Đến năm 2030, tỷ trọng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm từ 12,5- 14,5% tổng GRDP toàn tỉnh nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực, duy trì đàn vật nuôi, sản lượng trồng trọt của năm 2020.

Với tổng mức đầu tư hơn 3.737 tỷ đồng, ngành nông nghiệp Tiền Giang sẽ thực hiện tái cơ cấu theo vùng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững có tính đến yếu tố đặc thù và cơ hội trên cơ sở mục tiêu phát triển của 3 vùng kinh tế chính. Đó là: Vùng kinh tế- đô thị trung tâm bao gồm: thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo phát triển cây thanh long, rau màu, gà ri, chim cút, nuôi cá bè; Vùng kinh tế- đô thị phía Đông bao gồm: thị xã Gò Công và các huyện: Tân Phú Đông, Gò Công Tây, Gò Công Đông phát triển cây lúa đặc sản, cây rau, gà ta, con tôm, dịch vụ hậu cần nghề cá; Vùng kinh tế – đô thị phía Tây bao gồm: TX Cai Lậy và các huyện: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước phát triển lúa chất lượng cao, xoài, sầu riêng, khóm, giống thủy sản nước ngọt. Theo đó, 4 ngành hàng được tỉnh tập trung tái cơ cấu là: lúa gạo, chăn nuôi, trái cây và thủy sản.

Hội nghị cũng thông qua Dự án hỗ trợ lãi suất mua máy cấy lúa khu vực phía Đông giai đoạn 2017-2020 và Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025.

Kim Nữ