Triển khai Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười

(THTG) Nhằm tăng cường sự liên kết giữa các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, ngày 24/9, tại Tiền Giang, 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp tổ chức triển khai đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười do tỉnh Đồng Tháp đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 593 đồng ý cho thực hiện nhằm đẩy mạnh sự liên kết phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng và phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Nội dung liên kết xoay quanh 3 lĩnh vực gồm: Phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp; Xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi liên vùng; quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và Phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Untitled 1

Ảnh : Minh Trí 

Vùng Đồng Tháp Mười có diện tích tự nhiên khoảng 606.000 hecta, chiếm 17,7% diện tích tự nhiên của ĐBSCL, bao gồm 19 huyện thành thị, thuộc 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp.  Đây là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế trong sản xuất lúa gạo, thuỷ sản và du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như việc xây dựng chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản trong vùng chưa được quan tâm, thiếu thương hiệu có uy tín trên thương trường quốc tế, nhất là mặt hàng chủ lực là gạo.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy – UBND 3 tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các nhà khoa học đánh giá cao khung đề án, đồng thời khẳng định: nếu không liên kết, sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trước những tác động của thị trường và quá trình biến đổi khí hậu, trong đó đáng chú ý là vấn đề quản lý nguồn nước. Để đề án thực hiện có hiệu quả, cần phải điều tra hiện trạng sản xuất nông nghiệp trong vùng, đánh giá đúng tiềm năng và lợi thế của từng tỉnh, để có định hướng phát triển phù hợp.  Bên cạnh đó, cần phải làm rõ cơ chế liên kết, nguồn vốn và sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 tỉnh, cũng như các Bộ ngành ở Trung ương trong việc điều phối hoạt động của đề án.

Theo đánh giá của các đại biểu, việc triển khai Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành công, không những tạo điều kiện để 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp phát triển mà còn tạo tiền đề thúc đẩy sự liên kết phát triển của toàn vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

 

Phúc Huy