Trạm thu phí “tiến” về ĐBSCL

Việc các trạm thu phí dày, mức thu bất hợp lý, đặt trạm không đúng quy định bao vây các cửa ngõ vào TPHCM và vùng Đông Nam bộ, mới đây, xuất hiện tình trạng trạm thu phí đang “tiến” về vùng ĐBSCL, gây nhiều băn khoăn, phản ứng không chỉ trong dân, mà nhiều doanh nghiệp lo ngại giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ở vùng này bị đẩy lên, làm giảm sức cạnh tranh và ảnh hưởng môi trường thu hút đầu tư.

Dày đặc trạm thu phí giao thông

Theo Bộ GTVT, chưa kể trạm thu phí tuyến cao tốc TPHCM – Cần Thơ (hiện nay mới hoàn thành đoạn đến Trung Lương), trên địa bàn ĐBSCL có 10 trạm thu phí của các án đã và đang triển khai. Trong đó, 5 trạm của các dự án hoàn thành giai đoạn 2016-2020 đã thu phí, 3 trạm đang xây dựng thuộc dự án các cầu Mỹ Lợi, Cổ Chiên, Vàm Cống. Các trạm đã, đang và sẽ tiếp tục đặt trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Dày đặc trạm thu phí ở ĐBSCL

Không khó để nhận ra 2 trạm thu phí trên cùng đoạn tuyến quốc lộ 1 thuộc địa bàn tỉnh Sóc Trăng – Bạc Liêu cách nhau chưa đến 60km, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km theo quy định. Ngoài ra, các trạm thu phí được dựng lên như “hàng rào kỹ thuật” mà người đi đường không có chọn lựa nào khác. Nếu từ quận Ô Môn đi qua nội ô quận Ninh Kiều (Cần Thơ) để về Hậu Giang, Sóc Trăng, dù chọn tuyến 91 (qua phường Trà Nóc) hay tuyến 91B, thì ô tô, xe tải cũng phải gặp 2 trạm và nộp phí ở 2 đầu thành phố chỉ cách nhau hơn 25km. Đó là Trạm thu phí Ô Môn (trên quốc lộ 91) và trạm gần ranh giới hành chính TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang trên quốc lộ 1.

Thực trạng trên không chỉ làm du khách phàn nàn, mà doanh nghiệp cũng phải è cổ gánh thêm mức tăng giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, làm giảm sức cạnh tranh, sức hấp dẫn môi trường đầu tư.

Trong khi đó, ngay từ giữa năm 2015, trước tình trạng nhiều trạm thu phí mọc lên ở nhiều tuyến đường bộ ở khu vực phía Bắc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã yêu cầu tạm dừng bố trí mới các trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km giữa 2 trạm trên cùng một tuyến đường, chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện đề án Quy hoạch trạm thu phí BOT. Chỉ đạo cũng nêu rõ, trong thời gian chờ được phê duyệt quy hoạch, trừ các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thì các bộ và UBND các tỉnh tạm dừng bố trí mới. Trong trường hợp đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng trước khi thực hiện.

Chờ “trật tự mới”

Nhiều người cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách khó khăn, cần đẩy mạnh việc xã hội hóa, đa dạng hóa các phương thức đầu tư, trong đó có việc thu hút đầu tư tư nhân thông qua các phương thức BOT, BTO, PPP … để đầu tư cầu, đường là cần thiết và việc thu phí là lẽ tất nhiên. Song vấn đề là tính khoa học và hợp lý để nhà đầu tư có lãi, xã hội có đường đi tốt hơn mà không tạo gánh nặng quá sức và bất hợp lý đối với doanh nghiệp và người dân? Mức thu thế nào để công bằng, hợp lý khi nhà đầu tư chỉ bỏ ra khoản vốn đầu tư chồng vào hiện trạng con đường cũ?

Quan điểm của ngành giao thông vận tải về các trạm thu phí cũng rất rõ ràng. Báo cáo của Bộ GTVT tại hội nghị “Huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL” ngày 22-8-2016 ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nêu rõ: Việc thu hút vốn đầu tư cầu, đường theo hình thức BOT thời gian qua đã góp phần đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nam bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và góp phần thúc đẩy quá trình luân chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, việc hình thành các trạm thu phí của các dự án BOT đối với vùng khó khăn như ĐBSCL cần phải được tính toán tổng thể các tác động đối với phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng thu hút đầu tư và đời sống người dân.

Hiện trạng các trạm thu phí ở Tây Nam bộ hiện nay cho thấy khoảng cách giữa các trạm bất hợp lý, chưa đảm bảo khoảng cách tối thiểu theo Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Vì vậy, cần rà soát để sắp xếp lại, khi lập trạm mới cần tham vấn, lấy ý kiến cơ quan, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, Hội đồng nhân dân và các đối tượng sử dụng đường bộ. Cần giám sát chặt chẽ mức thu phí và lộ trình tăng phí để đảm bảo không tác động mạnh đến phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Tăng cường tính minh bạch thông tin nguồn thu, năm thu phí hoàn vốn đối với các dự án BOT. Cần tính toán kỹ khi lựa chọn vị trí đặt trạm, tính toán khoa học, hợp lý mức phí và quan trọng là phải dựa trên một quy hoạch tổng thể, khả thi được cấp thẩm quyền phê duyện việc lập trạm thu phí, ít nhất là trong phạm vi một vùng, liên tỉnh, chứ không thể mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Nguồn SGGP