Trái cây ra Bắc: Phải có “đầu tàu” đủ mạnh!

        Theo báo cáo của Sở Công thương, kết quả bước đầu của đợt xúc tiến đưa một số trái cây chủ lực của tỉnh ra các tỉnh phía Bắc (trước mắt là địa bàn Hà Nội) khá khả quan, có một số mặt đạt kết quả ngoài dự kiến, nhưng việc tổ chức tập kết hàng và đáp ứng các cam kết không dễ chút nào…

ĐẦU RA “VÔ TƯ”

       Cuối tháng 3 năm nay, Sở Công thương làm tham mưu và nòng cốt tổ chức chuyến thâm nhập thị trường trái cây miền Bắc. Chuyến công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, có sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX chủ lực về trái cây của tỉnh.

Sau khi làm việc với các “đại gia” như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, các siêu thị thuộc Công ty cổ phần Intimex Việt Nam, Công ty cổ phần Nhất Nam, siêu thị Big C Thăng Long, Chi nhánh công ty Metro Cash&Carry Việt Nam… thì nhìn chung cả 2 bên đều phấn khởi, thậm chí Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đặt bút ký ngay 3,5 tấn trái cây gồm: Bưởi (1,2 tấn), xoài, cam, sầu riêng, khóm… mỗi thứ từ 100-200 kg để phục vụ lễ 30-4 và 1-5; Công ty cổ phần Nhất Nam với hệ thống 14 siêu thị Fivimart đề nghị Tiền Giang tập trung hàng hóa về một đầu mối để đàm phán “làm ăn lớn”, giao hàng tại tổng kho của công ty với phương thức vận chuyển, thanh toán phù hợp…

          

Đặc sản vú sữa Lò Rèn được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: Minh Châu
Đặc sản vú sữa Lò Rèn được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh: Minh Châu

Phấn khởi trước kết quả chuyến thâm nhập thị trường, ngay sau khi “về nhà”, các đơn vị như HTX Mỹ Lương, HTX Xoài cát Hòa Lộc (ở Cái Bè), HTX Vú sữa Vĩnh Kim ở Châu Thành, HTX khóm Quyết Thắng ở Tân Phước… đã vừa “huy động nguồn lực (hàng) tại chỗ”, vừa tung lực lượng đến các địa bàn khác để gom hàng, nhưng do nhiều nguyên nhân, thời điểm này (có lẽ do gấp quá) ráng lắm cũng chỉ mới đáp ứng 1/3 nhu cầu của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội.

Các DN và HTX gởi ra được 1 tấn trái cây phục vụ lễ như: bưởi, dưa hấu, ổi không hạt, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ri 6, khóm, cam sành, chôm chôm nhãn… mỗi thứ từ vài chục ký đến cao nhất là 200kg (số lượng lớn chỉ có xoài, dưa hấu, bưởi lông Cổ Cò và Năm Roi, riêng đối với mặt hàng bưởi da xanh do nguồn hàng khan hiếm, giá cao nên không có đơn vị nào cung cấp được theo yêu cầu của khách hàng); còn lại “chỉ tiêu” gần 2,5 tấn trái cây thì phải đến tuần lễ đầu tháng 5 mới đủ hàng, trong đó 80% sản lượng tập trung vào 4 loại là xoài, bưởi, vú sữa và sầu riêng.

Rõ ràng con đường cho trái cây Tiền Giang ở phía Bắc thì “thênh thang rộng mở” nhưng việc tổ chức được lượng hàng vừa mang tính đa dạng, vừa mang tính hàng hóa để làm ăn lớn, nhất là giao kịp tiến độ cam kết (đôi khi rất gấp) còn hết sức nhiêu khê, mà nguyên nhân chính là tỉnh vẫn thiếu vùng chuyên canh các loại trái cây đặc sản theo đúng nghĩa và đặc thù về tính mùa vụ của từng loại trái cây.

Theo nhận định của Sở Công thương thì thị trường Hà Nội nói riêng và thị trường các tỉnh phía Bắc nói chung chính là “thị trường tiềm năng” tiêu thụ trái cây tươi với số lượng lớn – nhất là trái cây an toàn. Đây là những mặt hàng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và các tỉnh phía Bắc mà Tiền Giang là một trong số ít các tỉnh có lợi thế cạnh tranh rất cao bởi trái cây của địa phương chúng ta đã có thương hiệu và uy tín nhất định trên thị trường cả trong và ngoài nước.

Dù có lợi thế, song để thỏa mãn giữa cung – cầu thì Tiền Giang cũng chỉ mới có 2 loại trái cây hễ “hô” là có thể có ngay số lượng lớn là khóm và thanh long do có vùng chuyên canh hàng ngàn ha (riêng thanh long đã xử lý được nghịch vụ).

Đối với các loại trái đặc sản khác như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Vĩnh Kim, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp và nhiều loại trái khác phần lớn còn phụ thuộc vào mùa vụ “tự nhiên”, chất lượng khó kiểm soát; các hợp tác xã (đơn vị đầu mối gom hàng) chưa có khả năng thu mua và bảo quản, nhất là khâu bảo quản trong vận chuyển đường dài với số lượng lớn giữ được độ tươi ngon cả về màu sắc và chất lượng. Đây là bài toán tiếp theo trong mối quan hệ 4 nhà mà lâu nay ta thường đề cập.

PHẢI CÓ “ĐẦU TÀU” ĐỦ MẠNH

Từ kết quả bước đầu của việc đưa trái cây Tiền Giang ra phía Bắc, thiết nghĩ để thuận lợi hơn trong những bước đi kế tiếp thì trước mắt nên chọn cho được một số DN hoặc HTX “đầu tàu” đủ uy tín trên thương trường, kể cả đủ “độ tin cậy” ngay cả đối với các đơn vị trong và ngoài tỉnh dự kiến sẽ “mời” làm vệ tinh cung ứng nguồn hàng. Có được đơn vị “đầu tàu” và “vệ tinh” rồi thì cần tổ chức thật tốt khâu liên kết giữa sản xuất-tiêu thụ “trong hệ thống” theo chuỗi giá trị, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, trên cơ sở đó “4 nhà” phải thật sự vào cuộc, “cùng chăm lo” cho hệ thống.

Đối với Nhà nước (kể cả cấp điều hành vĩ mô ra chính sách chung) bằng cơ chế hỗ trợ – trước hết là hỗ trợ về tín dụng ưu đãi cho các đơn vị “đầu tàu” và “vệ tinh” tham gia mô hình tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng để các đơn vị này đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, thương hiệu, áp dụng quy trình sản xuất sạch, đầu tư kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch (kể cả trong khâu vận chuyển) và ngân sách tham gia hỗ trợ một phần chi phí chào hàng.

Đặc biệt trong xu hướng các mô hình GAP đang gặp khó khăn như hiện nay (thậm chí một vài nơi đã buộc phải lâm vào tình thế “bỏ” GAP) thì bài toán hỗ trợ trái cây theo hướng GAP gắn với đầu ra ổn định sẽ giúp nhà vườn duy trì thành quả dày công “đi theo GAP” mấy năm nay…

Đưa trái cây Tiền Giang tiêu thụ ở thị trường phía Bắc quả là hướng đi đúng và để thực hiện lâu dài thiết nghĩ cần có đúc kết và phân công bằng hợp đồng trách nhiệm gắn với lợi ích chung (có khi lợi ích riêng bị thiệt thòi) nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế vườn – thế mạnh của Tiền Giang