Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số

Ngày 10/6, tại Hà Nội, Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Viện KAS (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số”.

Hội thảo “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số”.
(Ảnh: KS)

Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất nhận định: Kỷ nguyên kỹ thuật số đã giúp cho nền báo chí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phát triển về mọi mặt, cả số lượng lẫn chất lượng thông tin. Nhưng đồng thời, kỷ nguyên kỹ thuật số cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt chưa từng có, làm nảy sinh những thách thức to lớn đối với báo chí, trong đó có vấn đề trách nhiệm xã hội và đạo đức của người làm báo.

Nhà báo lão thành Hữu Thọ cho rằng: Bất cứ nghề nào cũng đều có nguyên tắc ứng xử của riêng nó và nghề báo cũng không phải ngoại lệ. Vì vậy, mỗi tờ báo cần có những quy định riêng để từ đó đảm bảo tính khách quan của mỗi thông tin đưa ra cũng như giữ vững được bản lĩnh nghề nghiệp trước rất nhiều thông tin trên mạng xã hội. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, vấn đề đặt ra là đội ngũ nhà báo Việt Nam cần sàng lọc thông tin như thế nào để không bị các thông tin sai sự thật dẫn dắt. “Các thông tin trên mạng rất nhiều song những người làm báo chỉ nên tham khảo chứ không nên coi đó là tư liệu báo chí.” – nhà báo Hữu Thọ góp ý.

Theo nhà báo Lê Duy Truyền, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, những gì báo chí thế giới phải đương đầu với kỷ nguyên số đều xảy ra với báo chí Việt Nam. Đặc biệt, sự phát triển của các loại hình truyền thông xã hội đã tạo ra những cơ hội và thách thức không nhỏ đối với hoạt động báo chí. Trong đó, kỷ nguyên số không chỉ khuếch đại tầm ảnh hưởng của thông tin mà còn khuếch đại cả vấn đề trách nhiệm và đạo đức người làm báo. “Trong biển thông tin nhiều chiều, không gian kết nối đa chiều giữa nhà báo và độc giả, chúng ta phải giữ vững được giá trị cốt lõi của báo chí chính thống, bởi đó là sức mạnh của nền báo chí cách mạng.” – nhà báo Lê Duy Truyền nhấn mạnh.

Đánh giá cao những thuận lợi mà kỷ nguyên kỹ thuật số đem lại, tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, do không bị ràng buộc bởi các quy định của Luật Báo chí nên thông tin trên mạng xã hội thường phản ánh sự việc qua lăng kính chủ quan của người cung cấp thông tin, từ đó dẫn đến thực tế là truyền thông xã hội có thể cung cấp cho độc giả những thông tin thiếu sự kiểm chứng. Điều này đòi hỏi các nhà báo cần hành động để biến những thách thức trong kỷ nguyên số thành cơ hội cho báo chí phát triển.

Để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của báo chí trong thời đại công nghệ số, các đại biểu thống nhất phải tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, trong đó trước hết phải đảm bảo tính chân thật, khách quan. Bên cạnh việc quản lý nghiêm bằng pháp luật, việc bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức cho phóng viên, biên tập viên sẽ hình thành cơ chế tự điều chỉnh trong việc thực hiện các quy định về đạo đức nghề báo. Lãnh đạo các cơ quan báo chí cần nêu cao tinh thần gương mẫu trong thực hiện  những quy định về đạo đức báo chí Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc bảo vệ quyền lợi hội viên; tạo dư luận phản đối những vi phạm đạo đức nghề báo…/.

Nguồn ĐCSVN