TP.Hồ Chí Minh : Xứng đáng là đô thị đặc biệt

Qua 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, TP.Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của Vùng và cả nước.

TP.Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với cả nước về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã đánh giá “TP.Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao

Điểm nổi bật ở TP.Hồ Chí Minh chính là địa phương luôn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, quy mô kinh tế không ngừng mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng cao, các ngành, các lĩnh vực đều phát triển, các nguồn lực xã hội được phát huy.

Theo số liệu từ UBND Thành phố, GDP bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 11%; giai đoạn 2006-2010 đạt 11,2%; giai đoạn 2011-2015 ước đạt 9,6%, cao hơn 1,6 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. (Riêng trong năm 2014, GDP của Thành phố đạt trên 40 tỷ USD, gấp 7,5 lần so với năm 2000). Điều đặc biệt là kinh tế Thành phố luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Qua đó đã cho thấy nỗ lực to lớn của chính quyền Thành phố, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Qua những giai đoạn phát triển, có thể thấy, tiềm lực kinh tế của Thành phố không ngừng lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng cao, hợp lý và duy trì trong một khoảng thời gian dài. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn diễn ra vô cùng sôi động. Đến năm 2014, có trên 140 ngàn doanh nghiệp, hơn 250 ngàn hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động; có 5.331 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư là 36,65 tỷ USD. Trên địa bàn Thành phố đã hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh thuộc các thành phần kinh tế, đồng thời đã thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến đầu tư, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế Thành phố.

 TP.Hồ Chí Minh đang đổi thay mạnh mẽ với những công trình kiến trúc hiện đại, mang tầm thế kỷ bên sông Sài gòn
(ảnh:Báo ảnh Việt Nam)

Cơ sở vật chất, kỹ thuật của các ngành kinh tế trong những năm qua phát triển nhanh chóng. Tính tới năm 2014, Thành phố có 3 khu chế xuất, 13 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 3.748 ha; Khu công nghệ cao với tổng diện tích 913 ha, công viên phần mềm Quang Trung diện tích 43ha. Kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ không ngừng được đầu tư theo hướng hiện đại. Hiện, trên địa bàn Thành phố có 37 trung tâm thương mại, 175 siêu thị, 240 chợ truyền thống, 723 cửa hàng tiện lợi. Đến cuối năm 2013, theo thống kê của tập đoàn CBRE Việt Nam, trên địa bàn Thành phố có 331 tòa nhà văn phòng, với tổng diện tích 2.123.086m2, gấp 3,2 lần so với năm 2007. Con số này đã có cho thấy sự phát triển nhanh chóng của các toà nhà văn phòng, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, phát triển các ngành dịch vụ có thế mạnh.

Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,8% dân số của cả nước, nhưng đến năm 2014 Thành phố đóng góp 21,7% GDP cả nước; 30,3% tổng thu ngân sách nhà nước; 29,8% khu vực dịch vụ; 29,8% khu vực công nghiệp-xây dựng; 21,4% giá trị kim ngạch xuất khẩu; 20,7% giá trị kim ngạch nhập khẩu; 22,3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Mức thu nhập bình quân đầu người của Thành phố năm 2014 đạt 5.131 USD, bằng 2,5 lần so với bình quân đầu người của cả nước.

Trung tâm lớn về khoa học –công nghệ

Xác định được khoa học-công nghệ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, trong suốt những năm qua, Thành phố đã có chủ trương phát triển mạnh lĩnh vực này.

Hoạt động của khoa học-công nghệ gắn kết với hầu hết các ngành kinh tế-xã hội của Thành phố, đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học -công nghệ có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực như: y tế, cơ khí chế tạo, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin, quản lý đô thị, chip vi điện tử, công nghệ nano, nông nghiệp công nghệ cao…Tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học ở TP.Hồ Chí Minh hiện cao nhất cả nước, trong những năm gần đây đạt tỷ lệ bình quân gần 35%/năm. Thực tế có thể thấy, thị trường khoa học-công nghệ từng bước hình thành, mang lại kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng, huy động được tiềm năng khoa học và công nghệ thông qua việc gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu với nhau, giữa các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp. Đặc biệt, lấy nhu cầu thực tiễn để nghiên cứu và phục vụ trở lại sản xuất, công tác giảng dạy, sinh hoạt đời sống.

 Sản xuất linh kiện điện tử (ảnh:TTXVN)

Hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được chú trọng, giai đoạn 2011-2015 Thành phố đã cấp 27.500 giấy chứng nhận nhãn hiệu, 1.800 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 191 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. Thành phố hiện có trên 222 tổ chức khoa học và công nghệ đăng ký hoạt động, trong đó có 61 tổ chức công lập, 161 tổ chức ngoài công lập thuộc mọi thành phần kinh tế. Một số tổ chức sau khi thành lập và đầu tư trang bị thiết bị đã nhanh chóng trở thành đơn vị nghiên cứu-triển khai hiện đại nhất khu vực phía Nam với nhiều thành tựu về nghiên cứu như: chế tạo chíp vi mạch, cảm biến, linh kiện bán dẫn, quan điện, vật liệu nano, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học…

Hạ tầng khoa học công nghệ được quan tâm đầu tư phát triển như: khu Công nghệ cao, khu Nông nghiệp Công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, hình thành một số trung tâm nghiên cứu mạnh như:Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao, Viện Khoa học Công nghệ Tính toán, Trung tâm thiết kế chế tạo thiết bị mới…Sự khởi sắc của thị trường khoa học, công nghệ đã góp phần tích cực cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện rõ rệt, qua đó đã góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố.

Xóa đói, giảm nghèo- thành tựu to lớn

Vào thời điểm năm 1991, ở TP.Hồ Chí Minh, chưa tới 35% hộ nông dân ngoại thành thuộc diện khá giả có tích lũy, 24% hộ tạm đủ ăn song từng lúc vẫn khó khăn, còn lại trên 40 % là hộ nghèo đói, trong đó 9.000 hộ phải cứu trợ thường xuyên và gần 2.000 hộ bị “trắng tay” do thiếu đất, không có phương tiện sản xuất, mà phần nhiều thuộc diện chính sách. Toàn Thành phố lúc đó có trên 120.000 hộ nghèo (thu nhập dưới 3 triệu đồng/người/năm ở nội thành; dưới 2,5 triệu đồng/người/năm ở ngoại thành) chiếm 17% tổng số hộ dân. Tháng 2/1992, Ban Thường vụ Thành ủy chủ trương thực hiện chương trình “phấn đấu xóa nạn đói, giảm hộ nghèo” với một hệ thống các giải pháp đồng bộ đặt trên nền tảng nâng cao năng lực vượt nghèo của người nghèo, hộ nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố, đầu tư cho các xã nghèo, phường nghèo, ngoại thành và vùng ven; giúp người nghèo được trợ vốn, tạo vốn, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, xóa mù chữ, nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp của người nghèo; giới thiệu việc làm, hướng dẫn cách làm ăn, phương tiện mưu sinh, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, giúp tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản: giáo dục, y tế, cấp điện, nước, thông tin liên lạc…Tới tháng 5/1995 Thành phố đã cơ bản xóa hộ đói. Với việc triển khai thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp với từng giai đoạn, Thành đã đạt được giảm nghèo căn cơ, bền vững.

Qua các mốc giai đoạn mà Thành phố đặt ra để phấn đấu, tới nay, mức thu nhập để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo được thống nhất giữa nội, ngoại thành và đã được điều chỉnh tăng lên. Cụ thể cuối năm 2014, hộ nghèo có mức thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm (Thành phố còn 1,36%). Đặc biệt, đã có nhiều phường và một số quận không còn hộ có mức thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm. Hộ cận nghèo có mức thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm còn 2,78%.

Chương trình đã thể hiện đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện thực hóa đường lối đúng đắn của Đảng ta, đó là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Có thể nói, công cuộc xóa đói giảm nghèo do Thành phố khởi xướng và thực hiện liên tục trong suốt hơn 22 năm qua mang lại nhiều kết quả và có sức lan tỏa rộng, trở thành chương trình mục tiêu quốc gia. Công cuộc xóa đói giảm nghèo, chương trình giảm nghèo tăng hộ khá là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, khó khăn và cả thách thức trong bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay. Thành phố xác định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới để chương trình giảm nghèo đạt được thật sự bền vững.

Với truyền thống năng động, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, chúng ta tin tưởng TP.Hồ Chí Minh sẽ đạt được kết quả tốt đẹp, nỗ lực phấn đấu như phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.Hồ Chí Minh tới năm 2020 mà Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị đã đề ra: “Xây dựng TP.Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.

  Từ năm 2009-2013, tổng vốn huy động từ các nguồn là 13.500 tỷ, trong đó nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi chiếm 93,1%; các khoản chính sách hỗ trợ không hoàn lại chiếm 6,9%; giúp 250 ngàn hộ nghèo có vốn làm ăn, giải quyết cho hơn 510 ngàn lao động nghèo có việc làm ổn định. Xây dựng trên 23.000 căn nhà tình thương, sửa chữa hơn 10.000 căn nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ di dời, giải tỏa các hộ nghèo sống ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở. Ngoài ra còn hỗ trợ các hộ trong việc cải tạo vệ sinh môi trường sống, xây dựng nhà vệ sinh, tặng ti vi, đài, điện thoại…, đầu tư xây dựng công trình, hạ tầng …

Nguồn ĐCSVN