Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng

Sáng 28-12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (BCĐ) họp phiên thứ 11. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì. Tham dự, có các thành viên BCĐ và đại diện các cơ quan chức năng.

Phiên họp tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với các báo cáo: Kết quả xử lý các vụ việc, vụ án BCĐ theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính T.Ư theo dõi, đôn đốc; Kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại một số địa phương; Kết quả kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan; Tình hình kết quả sau một năm thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Dự thảo Báo cáo kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2016 của BCĐ và dự thảo Chương trình công tác năm 2017 của BCĐ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Sau khi nghe các thành viên BCĐ thảo luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến kết luận, nêu rõ, năm 2016, BCĐ nhiệm kỳ mới sớm được kiện toàn; các cơ quan chức năng vào cuộc tương đối đều tay, Ban Nội chính T.Ư – cơ quan thường trực của BCĐ đã chủ động, sáng tạo tham mưu khối lượng lớn công việc.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, BCĐ có nhiều cố gắng thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ đề ra, có chuyển biến rõ rệt, tinh thần làm việc quyết liệt, trách nhiệm, nghiêm túc. Với quyết tâm cao và sự chỉ đạo tập trung, sâu sát, cụ thể, kịp thời, đổi mới, Thường trực BCĐ và BCĐ vừa chỉ đạo định hướng chủ trương xử lý, vừa chỉ đạo cụ thể từng nội dung công việc, gắn với trách nhiệm của các cơ quan chức năng và người có thẩm quyền; thường xuyên đôn đốc, giải quyết công việc đến cùng. Cùng với đó là sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan chức năng, cho nên tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp và xử lý các vụ việc nổi cộm có những chuyển biến rõ rệt.

Năm qua, BCĐ đã thành lập bảy Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm tại 14 tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát, các Đoàn công tác đã kiến nghị 42 vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật; kiến nghị đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo xử lý 87 vụ việc, vụ án. Đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra T.Ư chủ trì, phối hợp Ban Nội chính T.Ư và Ban cán sự đảng Bộ Tài chính kiểm tra chuyên đề phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong các lĩnh vực thuế, hải quan. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đưa ra 11 nhóm kiến nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); công tác tổ chức cán bộ phục vụ PCTN; xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế, hải quan,…; yêu cầu chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với 29 cơ quan, đơn vị liên quan. Đã chỉ đạo đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế – xã hội và PCTN; các quy định về kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để PCTN. Nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước về quản lý kinh tế – xã hội và PCTN được các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xây dựng, ban hành, như Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định 30 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Quy định 55 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên,…

BCĐ đã ban hành Kế hoạch số 19, ngày 10-5-2016 triển khai thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đến nay, hầu hết các nội dung đã và đang được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Tất cả 63 tỉnh ủy, thành ủy ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện; đã lựa chọn, đưa vào diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý 436 vụ việc, vụ án,…

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng, nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử, nhưng án tham nhũng còn ít; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Khâu điều tra, nhất là giám định còn chậm; thu hồi tài sản còn ít; việc phát hiện tham nhũng từ nội bộ chưa nhiều, chủ yếu là từ tố cáo, công luận, báo chí phản ánh. Ở Trung ương, công tác đấu tranh, PCTN làm mạnh, nhưng địa phương và cơ sở chuyển biến chưa rõ, nhất là ở khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Sự phối hợp giữa các cơ quan tốt hơn, nhưng chưa thật chặt chẽ. Việc khen thưởng, kỷ luật chưa kịp thời, đúng mức. Những hạn chế đó có một phần trách nhiệm của BCĐ.

Về nhiệm vụ năm 2017, Tổng Bí thư đề nghị phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, chú ý thêm một số vụ án lớn, nghiêm trọng, tồn đọng. Cần chú ý tăng cường kiểm tra, chỉ đạo đối với địa phương, cơ sở, các lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai, khoáng sản, thuế, hải quan, khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài. Chú trọng không được để các đối tượng liên quan vụ án bỏ trốn, chạy ra nước ngoài; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu, tạo chuyển biến mạnh từ cơ sở. Đối với báo chí, Tổng Bí thư cho rằng, vừa qua có nhiều đóng góp, nhưng một số báo, nhà báo, bài báo thổi phồng quá mức sự việc, suy diễn. Sắp tới, sẽ có quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí về công tác PCTN, để tạo tiếng nói chung, để báo chí đóng góp tích cực hơn nữa trong công tác đấu tranh PCTN.

Theo báo cáo tại phiên họp, năm 2016, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được xử lý đúng tiến độ, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, như các vụ án: Phạm Công Danh; Hà Văn Thắm; Lê Dũng; Phạm Ngọc Ngoạn; Huỳnh Thị Huyền Như (phần điều tra lại). Các vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo đã truy tố, xét xử sơ thẩm tám vụ/121 bị cáo; xét xử phúc thẩm sáu vụ/55 bị cáo. Các vụ án thuộc diện Ban Nội chính T.Ư theo dõi, đôn đốc đã truy tố, xét xử sơ thẩm ba vụ/ mười bị cáo; xét xử phúc thẩm hai vụ/ba bị cáo.

Ba năm qua, trong tổng số 40 vụ án và bảy vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo (trong đó có nhiều vụ xảy ra từ nhiều năm trước khi thành lập BCĐ), đến nay đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 26 vụ/330 bị can; đã truy tố xét xử sơ thẩm 21 vụ/247 bị cáo, xét xử phúc thẩm 14 vụ/137 bị cáo, với mức án nghiêm khắc (bảy bị cáo với tám mức án tử hình, 14 bị cáo với 15 mức án tù chung thân, sáu bị cáo có mức án tù 30 năm, 203 bị cáo có mức án tù từ 15 tháng đến dưới 30 năm). Trong số 29 vụ án thuộc diện Ban Nội chính T.Ư theo dõi, đôn đốc đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 21 vụ/ 93 bị can, đã truy tố xét xử sơ thẩm 18 vụ/68 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ/ 24 bị cáo. Việc điều tra, truy tố, xét xử rất nghiêm khắc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Năm 2017, BCĐ thống nhất bảy nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm, với 12 nhiệm vụ cụ thể; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm, trước hết là vụ Hà Văn Thắm; giai đoạn 2 của các vụ án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo,… và các vụ án liên quan Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); đồng thời đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm toán, xử lý các dự án đầu tư thua lỗ kéo dài, hoặc không hoạt động được và khẩn trương điều tra khi có dấu hiệu tội phạm.

Nguồn Nhân dân