Tổ chức mùa lễ hội vui tươi, an toàn và lành mạnh

Tết Đinh Dậu 2017 đang đến cùng mùa lễ hội đón Xuân mới trên khắp mọi miền đất nước. Phát huy những thành tựu bước đầu đạt được trong năm 2016, công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm nay được triển khai sớm với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, từ trung ương đến các tỉnh, thành phố và sự đồng thuận tham gia của nhân dân các địa phương.

KHI CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN ĐỒNG LÒNG

Đến khu di tích thắng cảnh chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) vào những ngày cuối năm Bính Thân, cận kề Tết Đinh Dậu, chúng tôi mới thấy hết không khí náo nức chuẩn bị cho mùa lễ hội Xuân 2017. Trung tâm xã nay đã trở thành phố thị sầm uất với những nhà hàng, khách sạn mi-ni đang được trang hoàng chuẩn bị cho một mùa lễ hội mới, người và xe đi lại nườm nượp, tất bật. Đường dọc bến Yến vào đền Trình được dọn dẹp sạch sẽ, thông thoáng; hàng quán sắp xếp, bố trí khá quy củ. Một cổng lớn, đồ sộ, mang nét kiến trúc truyền thống mới được khánh thành trước đền Trình mang lại một cảm nhận mới, xứng đáng tầm vóc của một khu di tích danh thắng quan trọng của Thủ đô và cả nước. Có lẽ chẳng có khu di tích nào ở nước ta mà trong một chiều dài vỏn vẹn 3,5 km suối Yến đưa khách vào chùa nhưng lại có mật độ đò chở khách lớn như ở chùa Hương. Số lượng đò hiện đã lên đến 4.500 và cũng hơn gấp đôi con số đó là số người tham gia vào dịch vụ chèo đò, chưa kể hàng nghìn hàng, quán phục vụ, đáp ứng nhu cầu du khách.

1

Mùa lễ hội Xuân 2017, theo quy định các đò tại chùa Hương (Hà Nội) sẽ chở khách đúng số lượng cho phép và có phao cứu sinh. Trong ảnh: Du khách trảy hội chùa Hương năm 2016. Ảnh: NGUYỆT ÁNH

Cũng vì lượng người dự hội đông, hệ thống dịch vụ lớn, trải dài về thời gian, cho nên trong nhiều năm trước đây, lễ hội chùa Hương luôn là một điểm nóng ùn tắc và không ít vấn đề tiêu cực, lộn xộn về dịch vụ. Tuy nhiên, trong vài ba năm trở lại đây, với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, từ cấp quản lý thành phố cho đến địa phương, tình hình đã có nhiều thay đổi. Tính riêng trong mùa lễ hội năm 2016, nơi đây đã đón hơn 1,5 triệu lượt khách, nhưng không hề để xảy ra các vụ việc mất trật tự, an ninh và an toàn cho du khách.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức kiêm Trưởng Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương Nguyễn Văn Hậu cho biết: Để có được những thay đổi nêu trên, bên cạnh việc sắp xếp, bố trí khoa học trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp chính quyền, các ban, ngành, còn phải kể đến cuộc vận động lâu dài về nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong việc tham gia làm dịch vụ, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định, xử phạt công minh mọi vi phạm. Trước mùa lễ hội hằng năm, ngành văn hóa và du lịch thành phố cùng địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về dịch vụ du lịch, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh cho những người dân tham gia làm các dịch vụ, giúp họ hiểu sâu sắc rằng hình ảnh đẹp của một điểm đến sẽ mang lại những lợi ích kinh tế và thu nhập cho chính họ và gia đình họ. Tuy số lượng đò trên suối Yến rất nhiều, song đều được quản lý chặt chẽ và nhân thân từng chủ đò đều được biết rõ qua số đò đăng ký. Mọi vi phạm, tiêu cực được ban quản lý nhắc nhở, xử lý ngay. Năm nay, mỗi đò đều bắt buộc phải có phao cứu sinh và đò có chiều dài dưới 7 m chỉ được chở nhiều nhất mười người. Bên cạnh đó, đã giảm rất nhiều tệ nạn như “cò” dịch vụ, “cò” đò xe, bán vé giả; giao thông đi lại, vận chuyển được bố trí hợp lý. Các hàng quán không dùng loa công suất lớn để rao bán và chấp hành nghiêm chỉnh việc đưa thực phẩm thịt vào tủ giữ lạnh phía trong, không để bày bán treo trên các móc ở khu vực dịch vụ trước cửa chùa như trước, mọi bảng, biển quảng cáo cũng bảo đảm tuân thủ về kích cỡ theo quy định.

Theo Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương Nguyễn Chí Thanh, ngoài sự hỗ trợ của lực lượng công an thành phố trong những ngày đầu khai mạc, còn trong suốt thời gian ba tháng lễ hội, sẽ có 13 tổ tuần tra, bảo đảm an ninh, trật tự và kiểm soát phân luồng giao thông cả đường bộ và đường thủy, nhắc nhở các đò di chuyển đúng khoảng cách trên suối Yến. Ban Tổ chức cũng tiếp tục quán triệt việc không cho đốt vàng mã ở cửa chùa, không tổ chức đổi tiền lẻ, bố trí bàn ghi công đức, hòm công đức thuận tiện cho du khách và thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân và du khách có thể phản ánh trực tiếp.

Những thay đổi trong lễ hội chùa Hương năm vừa qua và ở nhiều di tích khác trên địa bàn Hà Nội đã cho thấy những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội của thành phố. Có thể thấy, sự chuyển biến chỉ đạt được khi có sự vào cuộc kiên quyết, đồng bộ của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân và du khách. Đón mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017, Hà Nội đã triển khai tốt công tác phân cấp quản lý lễ hội, thực hiện kiểm tra và giám sát thường xuyên, thậm chí đến tận từng lễ hội nhỏ, loại bỏ và hạn chế các tập tục lạc hậu, hình ảnh phản cảm kiểu như nghi thức cướp lộc ở Hội Gióng. Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi cho biết: Đối với những lễ hội lớn, các địa phương phải báo cáo nội dung triển khai cũng như công tác chuẩn bị để lãnh đạo thành phố xem xét cho ý kiến chỉ đạo và các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức. Thành phố đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức các lễ hội, nhất là những lễ hội lớn như: Gò Đống Đa, chùa Hương, đền Sóc, đền Hai Bà Trưng, đền Cổ Loa, đền Và, phủ Tây Hồ… Bên cạnh phần lễ, phải bảo đảm tốt cả phần hội với những giá trị tốt đẹp, giàu bản sắc, để trên cơ sở đó tuyên truyền, tạo hiệu ứng xã hội tích cực trong việc giáo dục truyền thống, tránh tình trạng lạm dụng để thương mại hóa. Ngành văn hóa – thể thao Hà Nội cũng đang đẩy mạnh khai thác những giá trị di sản văn hóa phi vật thể giàu tiềm năng để phục vụ nhân dân và du khách, trong đó có những loại hình diễn xướng được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại và quốc gia, tạo không khí vui tươi và ý nghĩa cho lễ hội.

TUYÊN TRUYỀN, QUẢN LÝ ĐỂ TẠO THÀNH NẾP SỐNG

Cùng với Hà Nội, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đang tích cực triển khai, chuẩn bị cho một mùa lễ hội vui tươi, giàu bản sắc, an toàn và lành mạnh, kiên quyết không để tái diễn các tệ nạn, không để bị nêu danh trên báo chí cả nước là những điển hình tiêu cực. Căn cứ Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý lễ hội và Công điện 229/CĐ-TTg ngày 12-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội, đối với các lễ hội có yếu tố bạo lực, phản cảm, gây bức xúc trong dư luận, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khuyến nghị các địa phương vận động cộng đồng dân cư không tổ chức hoặc có hình thức tổ chức văn minh, phù hợp với xu thế thời đại. Trước đó, Bộ đã chỉ đạo rà soát các lễ hội có tục hiến sinh nhằm loại bỏ những tập tục lạc hậu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của người dân, nhà quản lý, các nhà khoa học để tìm các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội.

Trong năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề nghị các địa phương không tổ chức lễ hội chọi trâu không phải truyền thống của địa phương, đồng thời có văn bản yêu cầu tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Được biết, trước mùa lễ hội năm nay, một số tập tục “chém lợn” như ở lễ hội Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh), “Tế trâu” tại lễ hội đền Pu Nhạ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)… đã được chính quyền và người dân các địa phương thay đổi hình thức tổ chức, giảm bớt những hình ảnh bạo lực trong lễ hội. Lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Phú Thọ cũng cho biết, Ban tổ chức Hội Phết Hiền Quan tại xã Hiền Quan (huyện Tam Nông) đã cam kết không để tái diễn tình trạng hàng nghìn người tranh cướp phết bằng được dẫn đến lộn xộn, gây tác động xấu đến hình ảnh văn hóa địa phương như trước. Thay vào đó, mỗi làng sẽ thành lập một tổ từ khoảng năm người, đầu tư trang phục giống nhau trong một tổ, phân biệt với các làng khác để tranh phết trong trật tự, đúng bản chất văn hóa của một nghi thức đẹp lâu đời.

Mong muốn và chỉ đạo thì như vậy, song các lễ hội của vùng, miền, địa phương thường tập trung trong khoảng thời gian nhất định, lượng người tham dự quá đông và trong một không gian hạn chế, khó kiểm soát hoàn toàn, vì vậy nhiều hệ lụy có thể phát sinh, khó lường trước. Điều quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận với sự phối hợp đa ngành để người dân và du khách hiểu, tuân thủ các quy định, để lễ hội Xuân thật sự là những lễ hội văn hóa, chứ không thể chỉ tìm cách áp dụng những biện pháp xử phạt hành chính, dễ dẫn tới sự tuân thủ một cách đối phó, hình thức. Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, khi vai trò của cộng đồng được đề cao và cán bộ quản lý địa phương hiểu biết về văn hóa, kết nối chặt chẽ với cộng đồng, công tâm và gương mẫu trong thực hiện thì lễ hội nơi ấy được tổ chức tốt, mang ý nghĩa giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cộng đồng. Mô hình kết hợp chặt chẽ giữa ba yếu tố cộng đồng, nhà khoa học và cơ quan quản lý trong việc tổ chức sẽ bảo đảm cho lễ hội phát huy được các giá trị tốt đẹp, không sai lệch.

Tại Hội nghị tổng kết mùa lễ hội 2016 vừa qua, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội cần tăng cường hơn nữa, thực hiện giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội; không cấp phép tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm trong mùa lễ hội năm 2016. Bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp khu dịch vụ, niêm yết giá, bán đúng giá, ăn uống phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng. Có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội… Bộ trưởng chỉ đạo các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích; không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ vào các khu di tích, khu thờ tự, bảo đảm tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Có thể nói, việc triển khai tổ chức tốt mùa lễ hội Xuân 2017 không những sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tham quan và thưởng ngoạn của nhân dân và du khách mà còn góp phần tạo dựng nếp sống văn minh, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam bền vững.

Báo Nhân Dân