Tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2016

(THTG) Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Tỉnh đảng bộ Tiền Giang lần thứ 10 và Nghị quyết đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ 12 của Đảng. Với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong năm, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo, vì vậy Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung sắp xếp ổn định tổ chức, chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, ổn định và phát triển đời sống nhân dân.

1

Ảnh: Trần Liêm

Trong năm 2016, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Tiền Giang phát triển đúng hướng và đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, tức GRDP bình quân tăng 8,5%. Trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,6%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 16,9% và khu vực dịch vụ tăng 7,9%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39,1 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 2,1 tỷ đô la Mỹ; thu ngân sách từ kinh tế địa phương ước đạt  6.590 tỷ đồng, đạt 112,6% dự toán; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,17%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 68,2%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 27 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, đã hoàn thành công trình kéo đường ống nước dài hơn 10km từ đất liền vượt sông Cửa Tiểu qua cù lao Tân Phú Đông, với tổng kinh phí khoảng 68 tỷ đồng, góp phần phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân vùng cù lao ven biển này. Trong năm 2016, sau thời gian phấn đấu xây dựng các tiêu chí, thành phố Mỹ Tho cũng đã chính thức được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh.

Một điểm nổi bật đáng lưu ý, đó là trong 6 tháng đầu năm 2016, do điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi cho sản xuất, như khô hạn gay gắt, mặn xâm nhập sâu lại kéo dài, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ tăng 7,1%. Nhưng với quyết tâm khắc phục khó khăn để đạt chỉ tiêu đề ra cho cả năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng các ngành, các cấp đã triển khai kịp thời những giải pháp quyết liệt trong ứng phó với hạn, mặn, bảo vệ sản xuất; đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm với các nhóm giải pháp cụ thể, sát hợp thực tế. Cùng với đó là sự đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn của các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh, nên Quý 3 và Quý 4 kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng với tỷ lệ cao, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt chỉ tiêu đề ra trong cả năm 2016 là 8,5%.

Trong năm 2017, UBND tỉnh dự kiến các chỉ tiêu kính tế chủ yếu, như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 8,5 đến 9%; thu nhập bình quân đầu người từ 43,1 đến 43,3 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,35 tỷ đô la Mỹ; giảm tỷ lệ hộ nghèo vào cuối năm 2017 còn dưới 4,37%; đào tạo việc làm cho 20 ngàn lao động; phấn đấu có từ 10 đến 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh Tiền Giang đã đề ra 9 nhóm giải pháp để phát triển kinh tế xã hội trong năm 2017.

Bên cạnh đó là các giải pháp như tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường thông tin theo hướng công khai, minh bạch.

Những thành quả đã đạt được trong năm 2016 chính là tiền đề, là động lực để kinh tế xã hội tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát triển đúng hướng và bền vững trong năm 2017, góp phần đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Tiền Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển kinh tế-xã hội mạnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và là một cực phát triển của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

An Phước