Tiếp tục khai quật mở rộng Hoàng thành Thăng Long

Các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, để bảo tồn, phát huy giá trị của Khu Di sản văn hóa thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, cần phải tiếp tục khai quật khảo cổ.

Di sản Hoàng thành Thăng Long sẽ trở thành một trong những điểm du lịch sáng giá của Thủ đô

 

Tiếp tục khai quật, khảo cổ

Năm 2010, Di sản Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hoàng thành Thăng Long đáp ứng 3 tiêu chí của UNESCO, trong đó, tiêu chí ii đánh giá đây là khu vực có tầng văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử nối tiếp nhau với hàng trăm dấu tích kiến trúc, hàng triệu di vật khảo cổ phản ánh sự giao thoa giữa các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, liên quan đến lịch sử định cư, quy hoạch kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và các công trình điêu khắc trang trí từ hơn 1000 năm trước tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam. Từ đó đến nay, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản này luôn được Chính phủ, Bộ VHTTDL và Hà Nội quan tâm.

Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, văn hóa: những giá trị đó mới chỉ là những đánh giá bước đầu rút ra chủ yếu từ địa điểm khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Bởi vậy, UNESCO khuyến nghị cần phải tăng cường nghiên cứu khảo cổ học tại khu Di sản, đặc biệt là khu vực chính điện Kính Thiên. Nhiều nhà khoa học quốc tế cũng nhấn mạnh vấn đề này trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long.

William Logan (Trường Đại học Deakin, Australia) nhận định: “Tuyên bố OUV (Giá trị nổi bật toàn cầu) được thông qua tại kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới tại Brasilia (Brazil) năm 2010 nhấn mạnh 3 đặc điểm nổi bật của Hoàng thành Thăng Long, đó là: Chiều dài lịch sử, vai trò liên tục là trung tâm quyền lực và các tầng di tích xếp chồng lên nhau. Để bảo tồn di sản cho các thế hệ hôm nay và mai sau, điều quan trọng là phải tôn trọng các giá trị cốt lõi làm nên 3 đặc trưng này và lấy đó làm cơ sở cho việc quản lý khu di sản”.

William Logan cũng cho rằng: “Giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long sẽ bị ảnh hưởng nếu những bằng chứng vật thể minh chứng cho 3 tiêu chí trên bị phá hủy và vĩnh viễn mất đi. Giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long, với tư cách là một Di sản thế giới phải được phát huy, bảo tồn như đã từng khẳng định khi di sản đề cử được công nhận. ICOMOS muốn có nhiều nghiên cứu khảo cổ học hơn để phát hiện, nghiên cứu, mô tả và có thể con là bảo tồn nhiều khu vực hơn nữa của kinh thành trong lịch sử. Cơ quan này cũng muốn vùng đệm phải rộng hơn và được đảm bảo thực hiện. Tại Brasilia, Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện những khuyến nghị này. Việt Nam đã tiến hành khai quật khảo cổ học trên phạm vi rộng, nhưng mới chỉ khai quật trong khu vực được công nhận hơn là bên ngoài. Những khai quật này đã làm thay đổi tương quan giữa di tích dưới lòng đất với những công trình trên mặt đất khiến cho giá trị khảo cổ học nổi trội hơn”.

Đồng quan điểm này, GS. Nobuo Kamei, Viện nghiên cứu văn hóa Quốc gia Tokyo, Nhật Bản cho biết: “Một điều chắc chắn, đó là dưới lòng đất ở khu vực bên ngoài khu vực bảo vệ vẫn còn rất nhiều kiến trúc cổ chưa được khai quật, cũng như ngay ở trong khu vực nghiên cứu hiện nay”.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã xây dựng kế hoạch khai quật và hàng năm tiến hành một số cuộc khai quật tại khu vực mà UNESCO khuyến nghị. Năm 2011 khai quật thăm dò 100 m2, năm 2012 khai quật 500m2, năm 2014 và 2015 mỗi năm khai quật trên 900m2. Kết quả bước đầu rất khả quan, đã tìm thấy nhiều di tích mới, nhiều di vật mới góp phần tìm hiểu ngày càng sâu sắc hơn di sản Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội.


Nhiều di tích mới, nhiều di vật mới được khảo cổ góp phần tìm hiểu ngày càng sâu sắc hơn di sản Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội

Bảo tồn di sản cho tương lai

Di sản chỉ có giá trị khi được bảo tồn cho thế hệ tương lai. Vấn đề bảo tồn luôn được UNESCO chú trọng khi công nhận di sản thế giới. Việc bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long như thế nào trong tổng quan vị trí của di sản với khu vực xung quanh cũng được nhiều nhà khoa học quan tâm.

Nobuo Kamei chia sẻ: “Chiến lược khai thác và giới thiệu di sản trong tương lai, kế hoạch quản lý hiện nay chỉ bao gồm một khu vực hiện thuộc quản lý của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội. Trong khi một chiến lược khai thác tổng thể khu di tích, bao gồm cả những khu chưa được chuyển giao cũng chưa được thể hiện. Cần phải luôn nỗ lực để cải thiện, khắc phục sự thiếu vắng hiện nay các quan điểm đặt vị trí của khu di sản như thế nào trong vị trí phát triển của khu vực”.

Quan điểm này cũng được Kiến trúc sư Michel Verot- Chuyên gia bảo tồn các công trình lịch sử Pháp đồng tình. KTS Michel Verot cho rằng: Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long cần làm rõ khu vực được bảo vệ, xác định chức năng đô thị và định hướng phát huy đồng thời phải liệt kê các khuyến nghị cho các khu vực đô thị và kiến trúc có giá trị.

Tháng 8 vừa qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng chính phủ, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội. Đây là cơ sở để tu bổ, tôn tạo vùng lõi của di sản hướng tới mục tiêu chính là xây dựng di sản thành công viên văn hóa du lịch. Bên cạnh đó, Khu 18 Hoàng Diệu vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Khi Quy hoạch được áp dụng trên thực tiễn, viễn cảnh di sản Hoàng thành Thăng Long sẽ trở thành một trong những điểm du lịch sáng giá của Thủ đô là không xa.

Nguồn Tổ quốc