Tiền Giang tăng cường cấp mã số vùng trồng cây ăn trái để hạn chế lệ thuộc thị trường Trung Quốc

(THTG) Trước tình trạng các cửa khẩu biên giới Trung Quốc ùn tắc thông quan do phía nước bạn kiểm soát gắt gao Covid-19 và dự báo sẽ còn thắt chặt hơn nữa trong thời gian tới với chính sách Zero Covid, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nhà vườn cần đăng ký mã số vùng trồng cho vườn cây ăn trái để trước hết là có giấy thông hành vào thị trường Trung Quốc và lâu dài là rộng đường xuất sang các thị trường khó tính khác.

vlcsnap-2020-02-10-08h51m35s481

vlcsnap-2020-02-10-09h00m42s547

Sơ chế và đóng gói thanh long ruột đỏ tại HTX Mỹ Tịnh An. Ảnh: Lê Thi

       Việc triển khai cấp mã số vùng trồng cho cây ăn trái đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang thực hiện từ năm 2017, nhưng đến thời điểm này chỉ mới có 280 mã vùng trồng được cấp cho mít, thanh long, xoài, chuối và sầu riêng, với tổng diện tích chưa đến 5.000 ha trong khi đó tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh ở thời điểm hiện tại trên 82.000 ha. Đối với trái cây tươi muốn xuất khẩu thì phải truy xuất được nguồn gốc bằng mã quét QR Code là trồng ở đâu, quy mô, diện tích, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm thì mới được nước bạn cấp phép thông quan, nhập cảnh.

       Từ bài học kinh nghiệm nông sản tắc nghẽn thông quan vào thị trường Trung Quốc cuối năm này, ngay trong đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hơn nữa tuyên truyền và hỗ trợ nông dân đăng ký mã số vùng trồng cho cây ăn trái kết hợp với liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm, đồng thời Sở cũng tiến hành cấp mã số cho các cơ sở thu mua, sơ chế trái cây, tạo thuận lợi nhất cho xuất khẩu.

Kim Nữ