Tiền Giang tăng cường các giải pháp phòng chống sạt lở
(THTG) UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 499 về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, xung yếu gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều và cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông.
Tiền Giang tăng cường các giải pháp phòng chống sạt lở
Trong những năm gầy đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên xảy ra, âm thầm tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng về cường độ lẫn phạm vi, mức độ ngày càng xảy ra nghiêm trọng và nguy hiểm hơn. Hàng năm, sạt lở thường xảy ra tại rất nhiều địa phương ở các huyện phía Tây trên địa bàn tỉnh và khu vực thường xuyên bị sạt lở là cặp các tuyến sông, kênh, rạch làm ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến nhà ở, tính mạng, tài sản của người dân.
Cù lao Tân Phong nằm giữa sông Tiền, được bao bọc bởi hệ thống bờ đê có chiều dài 26 km. Song do biến đổi khí hậu gay gắt đã khiến cho bờ đê này sạt lở trầm trọng. Chỉ trong vòng 5 năm qua, cù lao đã bị sạt mất khoảng 3 ha, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và gây tâm lí bất an cho người dân. Nặng nhất là đoạn đê bao thuộc ấp Tân Thiện, có một số vị trí sạt lở ăn sâu từ 2 đến 3 mét, gây nhiều khó khăn cho người dân trong phát triển kinh tế.
Theo số liệu thống kê từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong khoảng 10 năm gần đây, toàn tỉnh xảy ra 1.197 điểm với chiều dài khoảng 118 km, kinh phí khắc phục hơn 2.403 tỷ đồng. Các điểm sạt lở thường xảy ra ở các huyện phía Tây của tỉnh như: huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Châu Thành, huyện Tân Phước, thị xã Cai Lậy và thành phố Mỹ Tho. Trong thời gian tới, tỉnh chủ động sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí của địa phương, Quỹ Phòng chống thiên tai, Quỹ phòng thủ dân sự trong công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều và bảo vệ ổn định dân cư, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kim Nữ – Bá Thủy
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.