Tiền Giang sơ kết công tác ứng phó với bão số 9

(THTG) Chiều ngày 27/11, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang chủ trì cuộc họp sơ kết công tác ứng phó với bão số 9 (bão Usagi).

vlcsnap-2018-11-28-08h19m20s118

Quang cảnh buổi họp sơ kết công tác ứng phó với bão số 9. Ảnh: Việt Bình

Bão số 9 là một trong những cơn bão mạnh, có diễn biến phức tạp, xuất hiện trên biển Đông vào lúc 14 giờ ngày 22/11, với vùng ảnh hưởng từ Bình Thuận đến Bến Tre, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới.

vlcsnap-2018-11-28-08h19m53s380

vlcsnap-2018-11-28-08h27m55s768

Các đại biểu phát biểu, đóng góp ý kiến về công tác ứng phó bão. Ảnh: Việt Bình

Sau khi nhận được công điện số 1671 của Thủ tướng Chính phủ, với sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tỉnh Tiền Giang tổ chức các cuộc họp khẩn, triển khai ngay phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Các địa phương tổ chức chằng chống 2.038 căn nhà, tổ chức sơ tán 18.961 người dân sống ngoài đê vào các điểm tránh, trú bão an toàn. Kêu gọi 789 tàu cá với 4.972 người vào nơi neo đậu tránh, trú bão, giữ liên lạc thường xuyên với 640 phương tiện đang hoạt động trong vùng biển không nguy hiểm. Tổ chức trực 24/24 và gia cố khẩn cấp 5 đoạn đê xung yếu của đê biển Gò Công có chiều dài 140 mét. Hệ thống thông tin liên lạc, điện, giao thông được tăng cường, bảo đảm cho công tác ứng phó với bão số 9. Mặc dù không bị thiệt hại về người, nhưng bão số 9 đã làm sập 3 căn nhà, tốc mái một cửa hàng và 5 nhà lưới, làm đổ ngã 9.900 hecta lúa thu đông chuẩn bị thu hoạch và một số cây xanh bị đổ ngã ở các huyện phía Đông.

vlcsnap-2018-11-28-08h22m01s837

Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Việt Bình

Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá cao ý thức, trách nhiệm của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp trên địa bàn tỉnh, sự chủ động tham gia ứng phó với bão của các ngành, các cấp, nhất là  ý thức của người dân ở các nơi xung yếu, thể hiện qua việc tự giác di dời đến tạm trú nơi an toàn. Công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó với bão kịp thời, đáp ứng phương án đã đề ra. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu lãnh đạo các huyện phía Đông thống kê diện tích lúa bị đổ ngã, thực hiện khẩn cấp các giải pháp cứu lúa, khuyến khích nhân dân tranh thủ thu hoạch lúa chín, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Kim Nữ