Tiền Giang – Phát triển kinh tế và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường

Năm 2017, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, nên tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Tiền Giang đã có những chuyển biến tích cực, nhất là tăng trưởng trong lĩnh vực kinh tế, đạt mức khá cao so với kế hoạch đề ra.

Xoài cát Hòa Lộc đông lạnh, mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Tiền Giang

Xoài cát Hòa Lộc đông lạnh, mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Tiền Giang

Năm 2018, nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh được đưa ra với mức cao; đồng thời, gắn phát triển kinh tế bền vững với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới gắn với đổi mới tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân…

Kinh tế-xã hội phát triển toàn diện

Theo đánh giá của UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý. Sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản phát triển toàn diện, ổn định. Giá trị sản xuất toàn tỉnh ước đạt 228.485 tỷ đồng (tăng hơn 12% so với cùng kỳ). Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 2,51 tỷ USD (đạt 107 % kế hoạch). Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước thực hiện 55.820 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được chú trọng. Công  tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh có nhiều kết quả, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế đã quan tâm, đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư.  Công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo trên 5% vào năm 2016 giảm xuống còn 4,37% vào năm 2017. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông, lao động việc làm, khoa học-công nghệ, tiếp tục có bước phát triển. Công tác đối ngoại được tăng cường. Các vấn đề bức xúc xã hội, khiếu nại tố cáo được quan tâm giải quyết…

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: Năm 2018, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Xây dựng nông thôn mới gắn với đổi mới tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…

Định hướng phát triển bền vững

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, dự kiến năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 9%-9,5%, giá trị sản xuất toàn tỉnh đạt khoảng 192.890 tỷ đồng (tăng 12,6% so với cùng kỳ), GRDP bình quân đầu người ước đạt 48 triệu đồng/người/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,65 tỷ USD; tổng thu ngân sách 7.890 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 10.233,6 tỷ đồng. Các chỉ tiêu xã hội, năm 2018, phải giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, đảm bảo giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 3%, đặc biệt là giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 3,69% và số hộ dân tham gia bảo hiểm y tế phải đạt 81,3%.

Tiền Giang - Phát triển kinh tế và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường ảnh 1
Sầu riêng là thế mạnh đặc thù về cây ăn quả của Tiền Giang. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Để thực hiện tốt các chỉ tiêu này, UBND tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể cho từng vùng, như các huyện phía Tây của tỉnh phát triển vùng trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, có quy mô lớn như sầu riêng, khóm, xoài cát hòa lộc; khu vực ven sông Tiền tiếp tục phát triển vùng nuôi các da trơn. Đồng thời sẽ đầu tư hệ thống đê bao để bảo vệ các vườn cây ăn trái để nhân dân yên tâm sản xuất.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho rằng: Để triển khai thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, kế hoạch đã đề ra, thì cần phải tổ chức thực hiện tốt 7 nhóm giải pháp. Trước tiên là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư… góp phần tăng thu ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các ngành kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên. Đồng thời phải quan tâm phát triển văn hóa, xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đặc biệt là tăng cường công tác thông tin và truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Nguồn SGGP