Tiền Giang nổ lực đẩy lùi bạo lực học đường

Thời gian gần đây, bạo lực học đường (BLHĐ) đang trở thành vấn đề thời sự, gây lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh. Mỗi khi bước vào đầu các năm học, BLHĐ có chiều hướng gia tăng. Hậu quả của BLHĐ rất lớn, ảnh hưởng thể chất lẫn tinh thần của học sinh, là nổi ám ảnh lâu dài của các nạn nhân. Để ngăn ngừa, các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống BLHĐ.

806_BPHONG2858.MXF_snapshot_00.06.732

Học sinh Trường THCS Xuân Diệu đến trường. Ảnh: Bùi Phong

Mặc dù hiện nay, môi trường học tập ngày càng được nâng cao và phát triển tốt nhưng vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề cần quan tâm, kiểm soát, nguy hiểm nhất là tình trạng BLHĐ. Bạo lực thể chất sẽ gây đau đớn về mặt thể xác lẫn tinh thần, dẫn đến mặc cảm, ám ảnh thời gian dài. Bạo lực tinh thần tuy không đau đớn về thể xác nhưng gây ra nỗi đau dai dẳng cho lứa tuổi thiếu niên, đôi khi ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của các em….

BLHĐ tồn tại do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, học sinh bị ảnh hưởng bởi hành động không chuẩn mực, bạo lực của người lớn; từ “thế giới ảo” như game, truyện, phim ảnh,…; thiếu sự quan tâm của gia đình. Mặt khác, các em đang trong tuổi trưởng thành nên dễ bốc đồng, khó kiềm chế cảm xúc, hành động, thích gây bạo lực để khẳng định mình. Để kiểm soát, ngăn ngừa BLHĐ, một trong những giải pháp hiệu quả là quan tâm trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh, giúp các em phòng tránh khi gặp phải vấn nạn này, đồng thời biết kiềm chế cảm xúc, tránh gây ra những hành động sai trái.

Tại các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, tiết sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm, nói chuyện chuyên đề với học sinh… các trường lồng ghép những nội dung về phòng, chống BLHĐ. Thường xuyên nắm tình hình học sinh thông qua ban cán sự các lớp, từ đó kịp thời phát hiện học sinh có biểu hiện bất thường và có hướng hỗ trợ, giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động, phong trào, tạo sân chơi bổ ích cho các em. Tham gia các hoạt động này, các em hiểu, dễ cảm thông cho nhau, từ đó xây dựng tình bạn đẹp và đoàn kết hơn. Đó cũng là một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng, chống BLHĐ.

Tuy có nhiều nỗ lực từ phía nhà trường trong phòng, chống BLHĐ nhưng thực trạng này vẫn là “bài toán khó” và nỗi lo chung của ngành Giáo dục. Do vậy, cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ hơn từ 3 môi trường giáo dục là: Nhà trường, gia đình và xã hội để góp phần đẩy lùi BLHĐ./.

Thu Thủy