Tiền Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 150 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết

(THTG) Ngày 20/8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 150 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20.8.1864-20.8.2014).

ong sang

Tham dự Lễ kỷ niệm có ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó chủ tịch Nước; đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, quê hương của Anh hùng dân tộc Trương Định, cùng đoàn lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực.

doang quang ngai

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn đại biểu các tỉnh Tiền Giang, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực đã lần lượt đặt tràng hoa, thắp hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trương Định tại tượng đài của ông.

ab

Ông Trần Thế Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang cùng lãnh đạo tỉnh dâng hương Anh hùng dân tộc Trương Định.

Ảnh: báo Ấp Bắc

        Trương Định sinh năm 1820, ở làng Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, nay là thành phố Quảng Ngãi. Năm 24 tuổi, ông theo cha vào miền Nam chiêu mộ dân cày, khẩn hoang lập ấp, trở thành bậc tiền hiền mở đất khai khẩn vùng Tân An, Định Tường. Năm 1854, Trương Định xuất tiền chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền Gia Thuận. Ông được phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản Cơ.

Khi quân Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công. Năm 1862, triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất, giao ba tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang. Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sỹ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp. Rạng sáng 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám lá tối trời, Gò Công Đông. Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tuẫn tiết để bảo toàn khí tiết người anh hùng.

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Tiền Giang, ông Trần Thế Ngọc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Tiền Giang phát biểu ôn lại thân thế, sự nghiệp, những công lao to lớn cùng những chiến tích oai hùng của anh hùng dân tộc Trương Định tại Gò Công, ông là niềm tự hào của nhân dân hai tỉnh Tiền Giang và Quảng Ngãi.

Ông Trần Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với vị anh hùng dân tộc Trương Định, người con của quê hương Quảng Ngãi. Việc lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh phối hợp tổ chức lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định hàng năm đã góp phần thắt chặt mối đoàn kết giữa hai tỉnh, qua đó để cùng nhau thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Khí phách và đức độ của anh hùng dân tộc Trương Địnhcùng tinh thần yêu nước, không khuất phục trước kẻ thù, hành động vì chính nghĩa, vì độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân  là tấm gương để thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

Bên cạnh Lễ kỷ niệm tổ chức tại Tượng đài Anh hùng dân tộc Trương Định, còn có nhiều hoạt động khác, nhằm tưởng nhớ công đức của ông và góp phần giáo dục truyền thống yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay.

An Phước