Tiền Giang đưa kè giảm sóng, tạo bồi vào sử dụng trước Tết nguyên đán

(THTG) Năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, các đơn vị hữu quan và chính quyền địa phương huyện Gò Công Đông vừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch Covid 19 vừa duy trì thi công “kè giảm sóng, tạo bồi, ngăn chặn sạt lở bờ biển, đoạn từ cống Tân Thành đến khu du lịch Tân Thành” để hoàn thành, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2022.

vlcsnap-2020-12-02-14h59m31s215

vlcsnap-2020-12-02-15h00m27s802

Công trình thi công kè đê biển Gò Công trong quá trình thi công. Ảnh: Minh Trí

Đoạn kè này dài gần 1,5 km, có cao độ tường đỉnh đê giảm sóng dương 2,5 mét, chiều dài đê giảm sóng 200 mét với tổng vốn đầu tư 42,3 tỷ đồng. So với các công trình kè kín trước đây thì kè này ưu điểm hơn ở chỗ có những khoảng hở có tác dụng giảm tác động của sóng khi đánh vào bờ, giảm được nguy cơ sạt lở, sụt lún, đồng thời sau khi sóng tan sẽ để lại một lượng cát bùn phía bên trong kè, tạo bồi để trồng rừng, từng bước hình thành vành đai phòng hộ sau này. Từ khi đưa kè giảm sóng, tạo bồi này vào khai thác sử dụng, người dân địa phương không còn lo lắng tình trạng sạt lở đê biển trong mùa gió chướng trước Tết Nguyên đán hàng năm, nhất là hạn chế được tình trạng sóng biển xâm thực làm sụt lún đất sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản.

Từ thành công này, trong giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai thi công dự án Nâng cấp đê biển giai đoạn 2, trong đó đoạn kè giảm sóng gây bồi khoảng 5,4 km thuộc xã Vàm Láng, Kiểng Phước, Tân Điền nhằm mục tiêu chống sạt lở bờ biển và khôi phục lại diện tích đã bị sạt lở từ cơ chế gây bồi, với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương./

Kim Nữ