Tiền Giang dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL về chăn nuôi gia cầm

(THTG) Trong năm 2020, chăn nuôi heo và bò trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đồng loạt giảm do áp lực dịch bệnh, nhưng chăn nuôi gia cầm lại phát triển mạnh, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trở thành địa phương dẫn đầu các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tổng đàn gia cầm với hơn 17,7 triệu con.

Đa số các mô hình chăn nuôi gia cầm hiện nay tại Tiền Giang đều thực hiện theo hướng trang trại chuyên canh quy mô lớn, nên công tác quản lý chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh được thực hiện chặt chẽ và đạt kết quả khả quan. Toàn tỉnh hiện có trên 70% trại gia cầm áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nên luôn chủ động thực hiện tiêu độc sát trùng, tiêm phòng vac-xin, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp phát tán dịch bệnh ra môi trường.

vlcsnap-2020-11-05-08h58m59s610

vlcsnap-2020-11-05-08h57m13s367

Trang trại gà Lê Văn Hưng ở ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo. Ảnh: Trần Liêm

Tổng sản lượng xuất chuồng trong năm 2020 đạt gần 55.700 tấn, tăng 17% so với năm 2019, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người chăn nuôi trong bối cảnh chăn nuôi heo khó tái đàn, do bệnh dịch tả lợn Châu Phi và đàn bò bị ảnh hưởng của bệnh lở mồm long móng.

Bên cạnh đó, hầu hết các trang trại chăn nuôi gia cầm còn có thêm nguồn thu nhập phụ từ phân gà, chế biến thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Hiện Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Tiền Giang đang tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ cho các trại gia cầm sử dụng chế phẩm E.M ủ, hoặc sấy phân hữu cơ, một mặt giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, một mặt tạo nguồn phân hữu cơ dồi dào phục vụ cho ngành trồng trọt trong và ngoài tỉnh.

Kim Nữ