Tiền Giang “bứt phá” trong ứng dụng công nghệ thông tin

Báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2016 (Vietnam ICT Index 2016) vừa được Vụ Công nghệ thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam công bố hôm 22-3-2017 tại Hà Nội. Theo đó, Tiền Giang tăng 9 bậc trong bảng xếp hạng (thứ 8/63 tỉnh, thành). Đây là năm đạt thứ hạng cao nhất của Tiền Giang trong 11 năm qua về lĩnh vực này.

Nỗ lực vượt lên

Chỉ số Vietnam ICT Index 2016 được kết cấu theo hệ thống chỉ tiêu của Liên Hiệp Quốc, bao gồm 3 chỉ số thành phần chính là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Về xếp hạng chung, Tiền Giang xếp hạng 8, sau thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và Lào Cai. Trong đó, chỉ số ứng dụng CNTT xếp thứ 4, chỉ số hạ tầng kỹ thuật tỉnh xếp thứ 9, chỉ số hạ tầng nhân lực xếp thứ 42.

1
Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam, một trong những tài liệu thường niên của Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam, nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức và chuyên gia trên cả nước. Báo cáo Vietnam ICT Index 2016 có sự cải tiến mạnh mẽ về hệ thống chỉ tiêu và phương pháp tính nhằm bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông tại Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Báo cáo giúp chúng ta hiểu rõ được hiện trạng phát triển và ứng dụng CNTT-TT của tỉnh, để từ đó đưa ra được những giải pháp, định hướng phù hợp nhằm cải thiện việc phát triển và ứng dụng CNTT của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT-TT và xây dựng Chính phủ quyền điện tử tỉnh.

Ông Trần Văn Dũng, Quyền Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Tiền Giang cho biết: Đây là năm thứ 3 liên tiếp Tiền Giang tăng hạng đáng kể về chỉ số ICT Index. Trước đó, năm 2012 và năm 2013, trong bảng xếp hạng chung các tỉnh, thành phố Tiền Giang đứng hạng 55/63. Trong 3 năm, từ năm 2014 đến 2016, chỉ số này của Tiền Giang liên tục được cải thiện đáng kể so với 63 tỉnh/thành: Năm 2014 xếp thứ 27/63, năm 2015 xếp thứ 17/63, và năm 2016 vươn lên xếp thứ 8/63.

Trong đó, lĩnh vực tăng hạng nhiều nhất là ứng dụng công nghệ thông tin: nếu như năm 2012 về ứng dụng CNTT Tiền Giang xếp hạng 60/63, năm 2013 xếp hạng 63/63, thì đến năm 2016 vượt lên đứng hạng thứ 4, tăng 17 bậc so với 2015, chỉ xếp sau TP. Đà Nẵng, Hà Nội và Quảng Ninh. Một sự bứt phá khá ngọan mục.

Xếp hạng ứng dụng CNTT bao gồm xếp hạng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước và xếp hạng các dịch vụ công trực tuyến phục vụ tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Chỉ riêng lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật các tỉnh/thành phố, Tiền Giang tụt một hạng nhưng vẫn nằm trong Top 10 tỉnh/thành dẫn đầu (9/63).

Hướng tới một chính quyền  điện tử
Để vươn lên vị trí thứ 8 về chỉ số xếp hạng ICT Index, trong các năm qua Tiền Giang đã quan tâm đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng CNTT, hoàn thiện các cơ chế chính sách và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước và phục vụ cho tổ chức, người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã triển khai tại tất cả sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân cấp huyện và cấp xã. Hệ thống này cũng đã đưa vào sử dụng chính thức tại một số các cơ quan Đảng, đoàn thể, các trường và các đơn vị sự nghiệp, tổng số tài khoản người dùng trên hệ thống này là hơn 23.000 tài khoản. Tất cả các thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp đều được niêm yết, hướng dẫn quy trình thủ tục trên cổng thông tin điện tử tỉnh (tại địa chỉ http://motcua.tiengiang.gov.vn) từ mức độ 2 trở lên, trong đó có đến 479 dịch vụ hành chính công mức độ 3, 114 dịch vụ hành chính công mức độ 4 phục vụ người dân doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng, nhận trả kết quả trực tiếp hoặc nhận kết quả qua đường Bưu điện Ngoài ra, các hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống một cửa điện tử, ứng dụng ký số văn bản điện tử, cổng, trang thông tin điện tử cũng được triển khai rộng khắp và hiệu quả.

Theo ông Dũng, thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng CNTT tương tác chính quyền trong đó chú trọng việc nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu các hồ sơ giao dịch phục vụ người dân phải điện tử hóa hoàn toàn, đưa vào quy trình điện tử để kiểm soát (người dân nộp hồ sơ, phải nhận được biên nhận trả kết quả từ phần mềm), phục vụ giải quyết nhanh chóng, sớm trả kết quả cho người dân.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ sử dụng CNTT cho CBCCVC đáp ứng yêu cầu nền hành chính hiện đại; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc Ứng dụng CNTT, triển khai công tác thi đua xếp hạng Ứng dụng CNTT trong các ngành các cấp, nhằm động viên (hoặc phê bình) kịp thời các cá nhân, đơn vị tích cực (hoặc yếu kém) trong việc Ứng dụng CNTT hướng đến nền hành chính hiện đại.

Với những kết quả đạt được về chỉ số ICT Index năm 2016, đã khẳng định quyết tâm của Tiền Giang trong đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin góp phần quan trọng vào xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, phát triển kinh tế trên địa bàn.

Nguồn baoapbac.vn