Tiền Giang bước vào cao điểm sản xuất thực phẩm phục vụ tết Nhâm Dần 2022

(THTG) Các sản phẩm thực phẩm chế biến thường được tiêu dùng nhiều trong các ngày lễ, tết cuối năm nên hiện các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực chế biến thực phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang bước vào cao điểm gia tăng sản xuất trong bối cảnh đã tháo dỡ giãn cách xã hội nhưng vẫn không quên thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19.

vlcsnap-2021-12-15-10h17m53s045.png

vlcsnap-2021-12-15-10h18m38s481.png

vlcsnap-2021-12-15-10h19m51s439.png

Các doanh nghiệp chế biến tăng tốc cho các đơn hàng phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào dịp cuối năm. Ảnh: Minh Trí

Tại Hợp tác xã Mắm Gò Công, thị xã Gò Công, hoạt động sản xuất đã tái phục hồi khoảng 20 ngày trở lại đây sau một thời gian dài tạm nghỉ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Hiện hợp tác xã có 4 sản phẩm mắm được thẩm định đạt chuẩn OCOP và có khoảng 5 dòng sản phẩm mắm các loại rất được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, với sản lượng tiêu thụ khoảng 1 tấn mắm một tháng. Riêng trong dịp lễ, tết cuối năm, sản lượng tiêu thụ tăng lên từ 3 đến 4 lần so với ngày thường do có nhiều đơn đặt hàng số lượng lớn làm quà tặng. Chính vì vậy, khi tháo dỡ giãn cách xã hội, Hợp tác xã mắm Gò Công bắt tay ngay vào sản xuất với sự tự giác thực hiện nguyên tắc 5K của người lao động.

Riêng các doanh nghiệp chế biến nước uống có lợi cho sức khỏe như Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân, huyện Gò Công Tây đã triển khai thực hiện kế hoạch gia tăng sản xuất mùa tết 2022 từ đầu tháng 12 với 2 mục đích chính là phục vụ nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng và giúp cho công nhân có thu nhập để đón tết cổ truyền của dân tộc sắp đến sau thời gian khá dài tạm nghỉ do giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19. Hiện mỗi tuần doanh nghiệp sản xuất khoảng 1.200 thùng nước đông trùng hạ thảo cùng với 13 dòng sản phẩm thực phẩm khác có nguyên liệu là đông trùng hạ thảo nên rất thích hợp dùng làm quà biếu trong dịp tết.

Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến mứt, sản xuất bánh kẹo cũng bắt đầu tái hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội để có đủ nguồn sản phẩm cung cấp cho người dân ăn tết, đồng thời gia tăng sản xuất để góp phần tiêu thụ nông sản tươi cho người nông dân. Tuy nhiên, khác với những năm trước, hầu hết các cơ sở sản xuất thực phẩm tết mặc dù biết là cao điểm nhưng vẫn thận trọng, không tập trung công nhân tại cùng một thời điểm, mà tổ chức tăng ca, giữ khoảng cách theo đúng quy định phòng dịch. Riêng một số cơ sở còn chủ động tổ chức cho công nhân test nhanh Covid-19 theo định kỳ để bảo đảm sản xuất tết an toàn./

Kim Nữ