Thượng viện Mỹ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương- 981

Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết, trong đó lên án Trung Quốc gây hấn nhằm thay đổi hiện trạng, gây mất ổn định trong khu vực

 Tàu Trung Quốc cản trở tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam (Ảnh BBC)

Ngày 10/7 (tức ngày 11/7 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết số 412, trong đó có đoạn yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương- 981cùng các lực lượng hộ tống, trả lại nguyên trạng khu vực Biển Đông như trước ngày 1/5/2014.

Nghị quyết tái khẳng định “sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ cho tự do hàng hải và việc khai thác sử dụng biển và không phận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như việc sử dụng các giải pháp ngoại giao để xử l‎ý tranh chấp lãnh thổ và hải phận”.

Trong một diễn biến liên quan, một hội thảo 2 ngày (10-11/7 theo giờ Mỹ) với chủ đề “Những diễn biến gần đây tại Biển Đông” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và các vấn đề quốc tế tổ chức tại Washington. Tại đây, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, Mike Rogers chỉ rõ Trung Quốc đang cố tình thay đổi hiện trạng, thay đổi các mối quan hệ trong khu vực, từ việc đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông cho đến hạ đặt giàn khoan tại Biển Đông.

 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Đối thoại cấp cao Mỹ- Trung, ngày 10/7 (Ảnh AP)

Trong 2 ngày 9-10/7 Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ- Trung thường niên đã diễn ra giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Uy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì. Tuy đã đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác chống khủng bố, tăng cường thực thi pháp luật và đẩy mạnh quan hệ quân sự song phương, nhưng hai bên lại không nhất trí được quan điểm về vấn đề tranh chấp trên biển và gián điệp mạng.

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo tình trạng gián điệp mạng tại Trung Quốc và nói rằng: “Tội phạm mạng đã gây thiệt hại cho công việc kinh doanh của chúng tôi và đe dọa khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ”, thì Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, an ninh mạng là một “mối đe dọa toàn cầu mà tất cả các nước đều phải đối mặt”, Trung Quốc cũng là một nạn nhân của tin tặc. Trung Quốc còn cáo buộc Mỹ là “đạo đức giả” khi cũng thực hiện chương trình “nghe lén” trên toàn cầu.

Liên quan đến tranh chấp trên biển, phía Mỹ chỉ trích Trung Quốc “đơn phương hành động”, nhằm làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, ngược lại, Trung Quốc lại yêu cầu Mỹ không can thiệp vào khu vực.

 

Một đơn vị pháo binh di động Israel bắn về phía Gaza từ bên ngoài ngày 12/7/2014 (Ảnh Reuters)

Đêm 12/7, quân đội Israel tiến hành thêm hàng chục đợt oanh kích mới vào nhiều mục tiêu khác nhau ở Gaza, gây thêm nhiều thương vong nghiêm trọng về phía người Palestine.

Trong đó, riêng cuộc không kích nhằm vào một khu dân cư ở quận Al Toffah, phía đông thành phố Gaza, đã cướp đi mạng sống của ít nhất 15 người và khiến khoảng 45 người khác bị thương. Theo Aljazera, mục tiêu của cuộc không kích là nhà riêng của một viên Đại tá cảnh sát nằm sát một nhà thờ Hồi giáo trong thành phố. Số thương vong đặc biệt lớn do cuộc không kích được tiến hành đúng thời điểm người dân khu vực đang tập trung về nhà thờ để làm lễ cầu nguyện buổi tối.

Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại đặc biệt về con số thương vong ở Dải Gaza khi các cuộc không kích đã khiến 157 người thiệt mạng, đồng thời kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 12/7, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi chính quyền Israel và các tay súng Palestine tại Dải Gaza chấm dứt các hành động thù địch, hướng tới một lệnh ngừng bắn và trở lại bàn đàm phán để đạt được một hiệp định hòa bình toàn diện dựa trên giải pháp hai nhà nước.

Binh sĩ quân đội Ukraina lái xe bọc thép bên ngoài thành phố Siversk, vùng Donetsk, phía đông Ukraine, ngày 12/7 (Ảnh AP)

Tình hình Ukraine tiếp tục căng thẳng, khi nhà chức trách Ukraine đã quyết định tiến hành một chiến dịch đặc biệt tại khu vực Donetsk và thành phố Lugansk, trong khi đó, các lực lượng vũ trang miền Đông Ukraine thì vẫn kiên quyết không từ bỏ vũ khí.

Ngày 12/7, Kiev cho biết quân đội Ukraine đã dùng máy bay ném bom vào lực lượng ly khai để trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa của lực lượng này giết chết 23 quân nhân Ukraine và làm bị thương gần 100 người khác bằng một cuộc tấn công tên lửa vào hôm 11/7.

 

Người phát ngôn của Ukraine Andrey Lysenko cho biết, máy bay chiến đấu Ukraine oanh tạc các mục tiêu gần khu vực Donetsk, nơi lực lượng phiến quân đóng quân đông đúc, và phá hủy một căn cứ máy bay chiến đấu gần khu vực Dzerzhinsk., “tiêu diệt khoảng 500 phiến quân và phá hủy 2 phương tiện vận tải bọc thép”.


Ứng cử viên tổng thống Indonesia, cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt Prabowo Subianto (bìa phải), và Thống đốc Jakarta Joko Widodo (bìa trái) (Ảnh AP)

Trong khi kết quả bầu cử Tổng thống Indonesia chính thức chỉ có thể được công bố vào tháng tới, đất nước Indonesia có thể sẽ trải qua nhiều tuần căng thẳng nhất, khi cử 2 ứng cử viên đều tuyên bố thắng cử. Tổng thống Indonesia Bambang Yudhoyono hôm 8/7 kêu gọi các bên kiềm chế, tránh gây thêm căng thẳng.

Trước nguy cơ căng thẳng leo thang sau cuộc bầu cử vừa qua, lực lượng cảnh sát Indonesia hôm 9/7 đã được đặt trong tình trạng báo động.

 Ngoại trưởng Mỹ đã tới Afghanistan gặp gỡ ứng cử viên tổng thống Ashraf Ghani và ứng cử viên đối thủ Abdullah Abdullah (Ảnh Reuters)

Ngày 11/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Afghanistan trong chuyến thăm không báo trước nhằm tìm kiếm giải pháp xoa dịu những căng thẳng xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai tại đây. Hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan đã nhất trí tôn trọng kết quả bầu cử sau khi kiểm phiếu lại toàn bộ các hòm phiếu dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc.

Afghanistan đang đối mặt với giai đoạn chuyển giao quyền lực đầy khó khăn sau khi quốc gia Tây Nam Á này kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 hôm 14/6, song kết quả cuộc bầu cử vẫn chưa “ngã ngũ” do các cáo buộc gian lận. Những cáo buộc này đang làm gia tăng bất đồng và gây lo ngại về tình trạng bất ổn trong bối cảnh các lực lượng Mỹ và NATO đang gấp rút hoàn thành kế hoạch rút quân cuối năm 2014.

Mỹ hy vọng sớm giải quyết các tranh chấp bầu cử để có thể kí hiệp định an ninh song phương với Afghanistan, văn kiện pháp lý cho phép một nhóm binh sỹ Mỹ ở lại quốc gia Tây Nam Á này sau năm 2014

Người dân xem một chương trình truyền hình cho thấy các vụ phóng tên lửa do Triều Tiên tiến hành, tại ga đường sắt Seoul tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 29/6/2014 (Ảnh AP)

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, vào lúc 1h20- 1h30 ngày 13/7 Triều Tiên đã bắn 2 tên lửa đạn đạo từ một nơi nào đó gần Kaesong, phía tây nam Triều Tiên. Tên lửa đã bay được khoảng 500km trước khi rơi vào vùng biển nằm giữa Triều Tiên và Nhật Bản. Đây là lần phóng tên lửa hay đạn pháo thứ 14 của Triều Tiên từ đầu năm tới nay với tổng cộng hơn 90 tên lửa tầm ngắn và tầm trung hoặc đạn pháo.

Nhật Bản đã ngay lập tức trao công hàm phản đối Triều Tiên thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh sau vụ bắn tên lửa trên. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh đây là hành vi “hoàn toàn vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc”, trong đó cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Vụ bắn tên lửa mới nhất của Triều Tiên được cho là nhằm phản ứng lại với kế hoạch tổ chức cuộc tập trận Hải quân của Mỹ và Hàn Quốc từ ngày 16 đến 21/7. Mỹ đã điều tàu sân bay hạt nhân “USS George Washington” đến vùng biển phía Nam và Tây Nam bán đảo Triều Tiên tham gia cuộc tập trận này./.

Bích Đào/VOV.VN