Thượng đỉnh G7 khai mạc và các nội dung quan trọng

Tình hình Biển Đông là một trong những vấn đề chính tại Thượng đỉnh G7 hôm nay tại Ise Shima, Nhật Bản.

Hội nghị thượng đỉnh 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vừa khai mạc ngày 26/5, bắt đầu thảo luận về các chủ đề chính như: nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm, khủng bố, tị nạn, tuyên bố gây tranh cãi về chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông và tiến trình Brexit.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản đang nhóm họp tại Ise Shima, khu vực dân cư thưa thớt khoảng 300 km về phía tây nam Tokyo.


Lãnh đạo của 7 nước công nghiệp phát triển G7 tại hội nghị thượng đỉnh. (Nguồn: AFP)

Các nhà lãnh đạo đã đi thăm đền Ise Jingu trước khi bước vào phiên hội đàm. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, “Ise là nơi để giới thiệu vẻ đẹp của thiên nhiên và sự phong phú của nền văn hóa và truyền thống lâu đời của chúng tôi”.

Một số nội dung chính

Kinh tế suy giảm được dự kiến sẽ trở thành vấn đề trọng tâm tại các cuộc thảo luận trong bối cảnh hiện tại đang có sự chia rẽ giữa các nước về việc nên “thắt lưng buộc bụng” hay kích thích tài khóa để thoát khỏi tình trạng bất ổn hiện nay. Trong khi Anh và Đức ủng hộ việc siết chặt chi tiêu thì ông Abe được biết là sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo G7 áp dụng một chính sách tài khóa linh hoạt dựa trên tình hình cụ thể của mỗi nước.

Hội nghị được kì vọng sẽ thúc đẩy các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong tuyên bố chung khi thượng đỉnh kết thúc ngày 26/6, một nguồn tin trong chính phủ Mỹ nói với Reuters.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng dự kiến ​​sẽ tái khẳng định cam kết trước đó của họ để ổn định thị trường ngoại hối.

Nhật Bản và Mỹ cũng đang thúc đẩy sự đồng thuận của G7 để phản đối tuyên bố chủ quyền trái phép và sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông.  Thủ tướng Anh David Cameron ngày 25/5 khuyến khích Bắc Kinh và các bên có liên quan tuân theo phán quyết sắp tới của tòa án quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

G7 cũng sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng người tị nạn và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, với sự quan tâm của của Tổng thống Pháp Hollande để giải quyết vấn đề này khi một năm qua Pháp đã hứng chịu hai cuộc tấn công khủng bố đẫm máu.

Và tiến trình trưng cầu dân ý vào tháng tới của Anh về việc có ở lại trong Liên minh châu Âu hay không chắc chắn cũng sẽ là một vấn đề nổi bật trong các cuộc thảo luận, khi các nhà kinh tế cảnh báo Brexit (Anh rời EU) có thể đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, các vấn đề như chương trình hạt nhân của Triều Tiên, tiến trình hòa bình tại Ukraine, đối phó với biến đổi khí hậu cũng có thể được thảo luận.

Siết chặt an ninh

Trong hoạt động triển khai an ninh lớn nhất trong nhiều thập kỷ, khoảng 23.000 cảnh sát đã được triển khai để bảo đảm an toàn cho G7.

Hải quân Nhật Bản cũng đưa một tàu khu trục tới gần địa điểm khách sạn nơi các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp. Cũng sẽ có khoảng 100 tàu nhỏ hơn hoạt động dưới sự điều hành của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Hàng nghìn cảnh sát đã được triển khai tại Ise Shima để tuần tra các trạm xe lửa và bến phà và các trường học đã bị đóng cửa để hạn chế giao thông. Du khách tới sân bay quốc tế Chubu, tỉnh Mie phải trải qua kiểm tra an ninh trước khi qua các trạm kiểm soát và khu vực ngắm cảnh cũng bị đóng cửa.

Tokyo cho biết sẽ không cho phép bất kì cơ hội nào để thực hiện các hành động như vụ tấn công khủng bố đã tấn công Paris và Brussels trong những tháng gần đây. An ninh cũng được thắt chặt ở Tokyo, với 19.000 cảnh sát được huy động, mặc dù thủ đô cách Ise Shima 300 km.

Các thùng rác đã được loại bỏ hoặc niêm phong, các tủ khóa để hành lí tại các trạm xe lửa và tàu điện ngầm ở thủ đô và các khu vực xung quanh khu vực tổ chức sự kiện cũng được đóng lại.

Các nhà chức trách cho biết họ cũng sẽ theo dõi chặt chẽ về cái gọi là “mục tiêu mềm” như nhà hát và sân vận động. Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Obama sẽ đến thăm Hiroshima và trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên đến đây, nơi diễn ra vụ đánh bom nguyên tử đầu tiên vào ngày 06 tháng 8 năm 1945. 5.000 cảnh sát Nhật Bản sẽ có mặt để bảo vệ chuyến đi này.

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng sẽ diễn ra ngày 27/5, với sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các nước có liên quan tới chương trình nghị sự. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ tham dự sự kiện này với tư cách khách mời.

Nguồn Toquoc.vn