Thủ tướng thăm đường hoa, đường sách tại TP mang tên Bác

Chiều 17/2 (tức 29 Tết), trong không khí từng bừng đón chào Xuân Ất Mùi của nhân dân TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm đường hoa, đường sách trên đường Hàm Nghi, quận 1.

Thủ tướng cùng phu nhân và lãnh đạo, nhân dân TP Hồ Chí Minh dạo bước trong đường hoa. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương việc UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ hội đường hoa, đường sách mỗi dịp xuân về, để người dân Thành phố mang tên Bác vui xuân, đón Tết cổ truyền dân tộc thêm nhiều ý nghĩa.

Thủ tướng cho rằng việc tổ chức các hoạt động văn hóa nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc là biểu hiện cụ thể của việc chăm lo chu đáo đời sống tinh thần cho nhân dân của Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh.

Cùng với hàng nghìn người dân Thành phố, Thủ tướng đã đi bộ dọc đường hoa và đường sách, đến đâu Thủ tướng cũng niềm nở thăm hỏi, chúc Tết người dân và du khách.

Thủ tướng niềm nở vẫy chào nhân dân trong lễ hội. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Đường hoa năm nay có chủ đề “Bản sắc Việt – Hào khí Việt Nam” được tạo hình từ hơn 120.000 giỏ hoa các loại theo 70 đại cảnh, tiểu cảnh kéo dài 700m.

Mở đầu đường hoa là hình tượng linh vật của năm – một gia đình dê- trong tư thế ngẩng cao đầu trên ngọn đồi đầy hoa như hướng về một năm mới, một tương lai tốt đẹp.

Điểm nhấn ở đường hoa năm nay nằm ở phân đoạn “Vinh quang Việt Nam” với mô hình tàu điện ngầm được đặt ở vị trí trang trọng, thể hiện khát khao vươn tới tầm cao của Thành phố.

Kết thúc đường hoa là hình ảnh mai vàng khoe sắc thắm được kết nối với đại cảnh xuân sum vầy của gia đình dê 3 thế hệ, được phối màu bạc kết hợp hài hòa với phông nền vàng rực của rừng mai, tạo nên lời chúc “Xuân sung túc, Xuân thịnh vượng”.

Thủ tướng xem phần trưng bày tại đường sách. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Đoạn cuối đường Hàm Nghi là đường sách, giới thiệu hơn 15.000 đầu sách phân bố theo 4 chuyên đề gồm: Dấu ấn lịch sử – Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh; Tự hào – Con người Thành phố mang tên Bác; Biển đảo thiêng liêng; Thành phố hội nhập.

Bên cạnh đó, còn có khu sách điện tử, khu sách dành cho thiếu nhi; sách hay-sách quý, sách dành cho người khiếm thị…

Đặc biệt, năm nay, Lễ hội đường sách giới thiệu những bản sách quý hiếm in bằng chữ quốc ngữ của các tác giả, các nhà in, nhà xuất bản đã gắn bó với Sài Gòn trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945.

Lễ hội đường hoa và đường sách Tết Ất Mùi diễn ra đến hết ngày 22/2, tức mùng 4 Tết.

Nguồn VGP News