Thủ tướng: Phải phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2018

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% năm 2018.

Phát biểu kết luận tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu 6,7% năm 2018, cận trên trong của Nghị quyết Quốc hội giao là tăng trưởng từ 6,5-6,7%.

TT1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sau khi nêu ra những bài học về kinh nghiệm thành công giúp năm 2017, các chỉ tiêu kinh tế xã hội đều đạt và vượt, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, Thủ tướng yêu cầu: “Tăng trưởng phải đạt cận trên mức Quốc hội thông qua. Quốc hội giao từ 6,5 – 6,7%. Hội nghị này chúng ta kết luận ít nhất đạt 6,7%. Bởi tăng trưởng giải quyết được rất nhiều vấn đề, từ việc làm cho đến thu ngân sách, cho đến nợ công, đến bình quân đầu người. Một đất nước mà có 2.335 USD/người có gì quá phấn khởi? Có phải đó là nỗi buồn của những người lãnh đạo khi thu nhập bình quân đầu người thấp như thế. Đi liền với với số lượng thì chất lượng tăng trưởng phải được nâng lên, đặc biệt năng suất lao động xã hội phải cao hơn, các chỉ số môi trường phải được cải thiện rõ rệt hơn”.

Song song với đó, Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về sức sống, về năng lực canh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng địa phương và từng doanh nghiệp, và kể cả sản phẩm quốc gia.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cần có biện pháp xây dựng một nền kinh tế tự chủ, phù hợp với hoàn cảnh mới. Cả cấp quốc gia và địa phương phải phát huy các lợi thế để thực hiện được yêu cầu này. Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước thì phải nghĩ đến chuyện tự chủ của nền kinh tế. Do đó, phải kết hợp giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, phát triển doanh nghiệp trong nước, chuyển đổi hộ cá thể sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Nêu lên nhiều thách thức của năm 2018, Thủ tướng cho biết đây là năm quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2021. Thủ tướng nêu rõ, hội nghị thống nhất chủ đề của năm 2018 với 10 chữ để các bộ, ngành và địa phương vận dụng là: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”. Vì vậy Thủ tướng yêu cầu các bộ, các địa phương cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể, phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành theo chức năng nhiệm vụ được giao và thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và Nghị quyết 01 của Chính phủ lần này.

Đi vào một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện mục tiêu lạm phát dưới 4%, chống thất thu thuế và phấn đấu tăng thu 3% so với dự toán Quốc hội giao… Cùng với đó thúc đẩy lối sống tiết kiệm sâu rộng trong toàn xã hội, từ chi phí hội họp, đi nước ngoài. Kiểm soát công tác tổ chức lễ hội để không gây lãng phí, khiến tạo dư luận xấu trong xã hội.

Nhấn mạnh nguồn lực đầu tư Nhà nước rất hạn chế, nên cần có cơ chế huy động nguồn lực xã hội, Thủ tướng cho biết, phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt 34% GDP trong năm 2018. Đây là yêu cầu lớn các địa phương, các ngành phải tập trung, kể cả lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, trong đó có việc hoàn thiện các cơ chế cần thiết.

Theo Thủ tướng, Nghị định 15 cứ lúng túng mãi mỗi khi làm nên phải hoàn thiện Nghị định này. Gỡ khâu này rất quan trọng để huy động vốn xã hội, từ ngoài nước đến nhân dân. Còn cứ dựa mãi vào đầu tư trung hạn 2 triệu tỷ phân bổ trong vòng 5 năm vừa qua, thì khó có thể đáp ứng. Mặc dù chúng ta đang có chủ trương giảm chi thường xuyên để tăng đầu tư mấy năm gần đây cũng là tiến bộ của các ngành, các cấp, nhưng tổng mức đầu tư đó so với yêu cầu của xã hội hết sức khó khăn.

“Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đi xuống địa phương lại xin các công trình này công trình kia, có tiền đâu nữa. Còn ít dự phòng mà dự phòng để đề phòng hụt thu và thiên tai. Không huy động xã hội hóa thì rất khó khăn trong phát triển” – Thủ tướng cho biết.

Trong đó, Thủ tướng đánh giá cao bài học kinh nghiệm từ Quảng Ninh, đã huy động được vốn xã hội đầu tư sân bay và đường cao tốc. Hay như Lào Cai đã xử lý từ các đơn vị sự nghiệp công để giảm chi thường xuyên 80 tỷ đồng dành cho đầu tư.

Về xuất khẩu năm tới, dự thảo Nghị quyết 01 đặt mục tiêu tăng kim ngạch 10%, đặc biệt là phát triển mạnh các thương hiệu quốc gia như lương thực, rau quả, trái cây, thủy sản. Cùng với đó là mở nhiều thị trường mới; lưu ý để giữ đà xuất siêu, có biện pháp kỹ thuật phù hợp để hạn chế nhập khẩu, nhất là kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và hoạt động tạm nhập, tái xuất. Cùng với đó là tổ chức tốt thị trường trong nước, khuyến khích nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

TT

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã có chủ trương về cạnh tranh nông sản Việt Nam, khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị. Theo đó, Thủ tướng đề nghị phải tạo chuyển biến mạnh về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho phát triển hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu tốc tộ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp phải đạt 3%, kim ngạch xuất khẩu phải đạt 40 tỷ USD. Trong đó, vấn đề phát triển nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam như tôm, gạo chất lượng cao, rau củ quả, dược liệu là vấn đề đặt ra cho nông nghiệp Việt Nam.

“Thủ tướng nhấn mạnh nông nghiệp, vì tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp không phải là cao, nhưng lao động nông nghiệp rất lớn, nên năng suất lao động nông nghiệp rất thấp. Đó là nguyên nhân quan trọng để năng suất lao động chung thấp. Các đồng chí phải đi vào những sản phẩm lợi thế so sánh này để giải quyết vấn đề năng suất lao động cũng như thế mạnh nông nghiệp Việt Nam. Nông nghiệp Việt Nam là một thế mạnh cùng thế mạnh khác như công nghiệp chế biến chế tạo sẽ được đề cập mạnh mẽ hơn trong năm nay. Nông nghiệp, du lịch dịch vụ, công nghệ thông tin là thế mạnh của Việt Nam phải được chỉ đạo thời gian đến mạnh mẽ hơn” – Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh có biển phải xử lý nghiêm ngư dân đánh bắt cá trái phép, không được để EU rút “thẻ đỏ” với Việt Nam. Đây là yêu cầu cấp bách phải triển khai ngay.

Về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần coi đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước và các địa phương phải có chương trình cụ thể để triển khai. Thủ tướng cho biết đã báo cáo Bộ Chính trị về việc tổ chức đoàn kiểm tra các địa phương về chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, để thực sự là một động lực phát triển kinh tế theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương.

Nguồn VOV