Dịch đã từng bước được kiểm soát và hạn chế được khả năng lây lan rộng ra cộng đồng ​

Chiều 12-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 15 địa phương về tình hình và các biện pháp mới phòng chống dịch Covid-19.
cp12-8_wfmp
Chính phủ họp chiều 12-8. Ảnh: Quang Phúc

Khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, vừa qua, các bộ ngành, địa phương đã triển khai phòng chống dịch tích cực, nhất là ngành y tế và một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác có ca dương tính đã khoanh vùng dập dịch tích cực, đặc biệt xét nghiệm nhanh trên diện rộng. Một số nơi có ổ dịch đã thực hiện giãn cách xã hội nghiêm khắc, Quảng Nam lập đội xử lý nhanh; Đà Nẵng phát phiếu đi chợ, cắt giảm số lượng người làm việc tại trung tâm hành chính của thành phố…

TP Đà Nẵng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 một cách nghiêm ngặt, còn các địa phương khác đều thực hiện mục tiêu kép, đẩy mạnh chống dịch trên địa bàn và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giữ các hoạt động bình thường. Đây được đánh giá là chủ trương cần thiết. Dư luận xã hội cũng hoan nghênh Chính phủ và các địa phương tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt nhưng áp dụng các biện pháp một cách phù hợp, nhất là ở những thành phố, trung tâm kinh tế lớn, tránh gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, trừ Đà Nẵng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ một cách nghiêm ngặt.

 Dịch đã từng bước được kiểm soát và hạn chế được khả năng lây lan rộng ra cộng đồng  ​ ảnh 1Thủ tướng nhận định: Thời gian tuần này đến giữa tuần sau là thời điểm cần quan tâm. Ảnh: Quang Phúc

Thủ tướng đánh giá, khác với trường hợp xuất hiện ca bệnh số 17 trước đây, lần này, người dân bình tĩnh hơn, cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành y tế chỉ đạo bài bản hơn. Tình hình thị trường, giá cả ổn định, không có nạn đầu cơ, tích trữ, khan hiếm hàng hóa xảy ra. Tình trạng thiếu sinh phẩm, một số thiết bị y tế được khắc phục kịp thời, vừa bảo đảm phương tiện chống dịch, vừa chống tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng cũng nhận định: Thời gian tuần này đến giữa tuần sau là thời điểm cần quan tâm, cần tiếp tục duy trì các biện pháp để bảo đảm công cuộc chống dịch thành công.

Theo báo cáo của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ ngày 23-7 đến nay đã ghi nhận 451 trường hợp, trong đó có 46 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 405 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, ổ dịch tại Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát, đã hạn chế được việc lây lan rộng ra cộng đồng, số trường hợp mắc mới ghi nhận giảm trong những ngày gần đây. Các trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua phần lớn là các trường hợp tại các bệnh viện trong thời gian bị phong tỏa (43 trường hợp) và các trường hợp tiếp xúc gần (Fl) với các trường hợp mắc bệnh đã được cách ly y tế tập trung (172 trường hợp).

Trong 17 bệnh nhân tử vong có 10 nữ và 7 nam, độ tuổi dao động từ 33-86 tuổi (11 người trên 60 tuổi). Các trường hợp tử vong đều có bệnh lý nền nặng với 82,4% có nhiều hơn 1 bệnh lý kèm theo, phổ biến nhất là suy thận mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch và ung thư, nên nguy cơ tử vong rất cao và có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường họp tử vong trong nhóm các bệnh nhân này trong thời gian tới.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, phần lớn các ca nhiễm không có triệu chứng mắc bệnh (khoảng 40%) nên việc phát hiện các trường hợp này tại các cơ sở y tế là rất khó (trường hợp bệnh đầu tiên chỉ được phát hiện khi có triệu chứng tại Bệnh viện C Đà Nẵng nhưng hoàn toàn không có biểu hiện gì khi đến Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng…). Do đó, việc nâng cao năng lực cho các tuyến và thực hiện khám chữa bệnh từ xa là rất cần thiết để chủ  động sàng lọc bệnh nhân và có thể xét nghiệm ngay tại tuyến huyện, thực hiện cách ly điều trị tại tuyến tỉnh.

Cũng theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù đợt dịch này đã từng bước được kiểm soát và hạn chế được khả năng lây lan rộng ra cộng đồng, tuy nhiên trong thời gian tới vẫn có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp nhiễm SARS- CoV-2 chưa được phát hiện trong cộng đồng.

Về máy thở, Bộ Y tế cho biết, hiện trong nước có đủ khả năng sản xuất nên khi cần có thể sản xuất nhanh và không lo thiếu máy thở trong điều trị Covid-19. Hiện một số đơn vị trong nước cũng bắt tay sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, phục vụ xét nghiệm Covid-19.

Nguồn SGGP