Thông điệp của Nobel Hòa bình 2014

Hai ứng viên đồng đoạt giải Nobel hòa bình 2014 - nữ sinh người Pakistan Malala Yousafzai (phải) và nhà hoạt động vì quyền trẻ em người Ấn Độ Kailash Satyarthi
Hai ứng viên đồng đoạt giải Nobel hòa bình 2014 – nữ sinh người Pakistan Malala Yousafzai (phải) và nhà hoạt động vì quyền trẻ em người Ấn Độ Kailash Satyarthi

 Cũng giống như mấy năm gần đây, quyết định về giải thưởng Nobel hòa bình năm nay của Ủy ban giải thưởng Nobel hòa bình Na Uy lại đang gây không ít tranh cãi trong cộng đồng quốc tế.

Quả thật, trong danh sách đề cử đông chưa từng có trong lịch sử giải Nobel Hòa bình (278 đề cử, gồm 231 cá nhân và 47 tổ chức), hai ứng viên đồng đoạt giải Nobel hòa bình 2014 – nữ sinh người Pakistan Malala Yousafzai và nhà hoạt động vì quyền trẻ em người Ấn Độ Kailash Satyarthi, một người thì bị cho là còn quá trẻ (cô gái 17 tuổi Malala trở thành người trẻ nhất đoạt giải Nobel), người còn lại thì, trước đó, có lẽ chỉ những người dân Ấn Độ mới biết đến ông. Giống như các lần trước, chủ đề chính của cuộc tranh luận vẫn tập trung chủ yếu vào mức độ xứng đáng của hai ứng viên này.

Thực tế thì chuyện giải thưởng Nobel Hòa bình luôn gây tranh cãi cũng là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi lẽ:

Thứ nhất, do chính tiêu chí mà người sáng lập ra giải thưởng Alfred Nobel định ra. Theo di chúc của A. Nobel, giải thưởng sẽ được trao “cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình”. Đây rõ ràng là những tiêu chí mang tính chất định tính và chính trị rất cao, và vì thế rất khó xác định chính xác.

Thứ hai, do chính quy trình xét tuyển giải thưởng. Để bảo đảm tính khách quan, giải thưởng do một Ủy ban gồm năm thành viên, được quốc hội Na Uy thông qua và không được nằm trong số các nghị sĩ hiện hành, xem xét và quyết định. Tuy nhiên, chính việc đánh giá công trạng của một cá nhân lại chỉ do một số lượng thành viên ít ỏi quyết định thì đương nhiên khó tránh được những hạn chế có tính chất chủ quan.

Thứ ba, đó là sự khác biệt so với các giải Nobel khác. Đối với các giải Nobel văn học, vật lý, sinh học và hóa học, các ứng cử viên thường chỉ được xét giải sau hai hoặc ba thập kỉ những đóng góp của họ ra đời – ví dụ, phát minh ra đèn Led đoạt giải Nobel Vật lý năm nay. Ngược lại, những đóng góp ngay trong năm hoặc trong khoảng thời gian ngắn chung quanh thời gian xét giải lại có ý nghĩa quyết định đối với các ứng cử viên cho giải Nobel hòa bình. Chính vì tính ngắn hạn này mà trong lịch sử, giải Nobel hòa bình đã gặp không ít “sự cố”, như Adolf Hitler đã được đề cử vào năm 1939, đặc biệt là với trường hợp của Tổng thống Theodore Roosevelt (ngay sau khi được vinh danh năm 1906, ông đã dùng vũ lực đàn áp các cuộc nổi dậy chống quân đội Mỹ chiếm đóng của nhân dân Philippines). Hơn nữa, trong đời sống quốc tế đương đại, các vấn đề liên quan tới hòa bình hay chiến tranh lại hết sức phức tạp, và để giải quyết chúng thường đòi hỏi những nỗ lực trong một quá trình lâu dài.

Thứ tư, do sự “kiệm lời” của Ủy ban giải thưởng trong việc công khai lý do đoạt giải của ứng viên. Những thông báo hết sức ngắn gọn của Ủy ban, như nhận định về Malala: “Cô ấy đã đấu tranh trong những hoàn cảnh nguy hiểm nhất. Thông qua cuộc đấu tranh quả cảm của mình, Yousafzai đã trở thành người phát ngôn cho các trẻ em nữ”, hay nhận định về Satyarthi: “Ông ấy đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển những nguyên tắc quốc tế liên quan đến quyền trẻ em”, v.v., rõ ràng không thể làm rõ sự khác biệt nổi bật của người đoạt giải so với số còn lại, nhất là trong trường hợp có một danh sách dài các ứng viên.

Trên hết, có lẽ chính bởi những đánh giá của tự bản thân mỗi người trong chúng ta về công trạng của các ứng viên đã làm phát sinh cuộc tranh luận này.

Nhưng có lẽ cũng chính những cuộc tranh luận này lại giúp chúng ta hiểu hơn về thông điệp của Ủy ban giải thưởng Nobel, cho dù nó không được công bố công khai.

Quyết định trao giải thưởng Nobel hòa bình 2014 cho những đóng góp liên quan tới quyền trẻ em, có lẽ Ủy ban Nobel Na Uy muốn gửi đến cộng đồng quốc tế những hàm ý sau:

Trước hết, đã đến lúc phải đưa ra cảnh báo về mức độ xâm phạm những quyền cơ bản của trẻ em, trước hết là quyền được đi học. Theo một báo cáo vừa công bố tháng 6 năm nay của LHQ, hiện ước tính có khoảng 58 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được tới trường, trong đó trẻ em gái chịu nhiều thiệt thòi nhất. Việc không nhận được những kiến thức tối thiểu khiến những trẻ em này rất dễ sa vào con đường tội phạm. Bởi phần lớn trẻ em thất học đang sinh sống tại những nơi đang xảy ra xung đột hay những khu vực đói nghèo, như tại Giải Gaza, Kashmir, Syria, Ucraina, Somali, v.v. Khi mà chúng ta có thể nhìn thấy ở nhiều nơi trên thế giới hình ảnh những đứa trẻ mới 8-9 tuổi chưa thể đọc hay viết nổi lấy một chữ nhưng lại sử dụng hết sức thành thạo một khẩu tiểu liên thì có thể khẳng định rằng, sự tồn vong của hành tinh này đang bị đe dọa thật sự.

Thực tế cho thấy, người ta vẫn đang loay hoay tìm kiếm đủ mọi cách, từ đối thoại đến các biện pháp bạo lực nhằm giải quyết những điểm nóng nhưng vẫn không đem lại kết quả. Một giải pháp giải quyết xung đột khu vực không thể tổng thể hơn mà có lẽ các bên không biết hoặc cố tình quên – đó là hãy cho các em nhỏ được tới trường. Đơn giản bởi có được điều này thì điều kiện tiên quyết là “những cái đầu nóng” của các bên phải hạ nhiệt.

Điều dễ hiểu hơn, bảo vệ quyền trẻ em đồng nghĩa với việc bảo đảm cho nhân loại có một tương lai tươi sáng.

Ủy ban Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho một công dân Pakistan và một đại diện cho Ấn Độ, phải chăng muốn họ sẽ trở thành những đại sứ hòa bình giúp hai quốc gia láng giềng này có thể kết thúc xung đột đã kéo dài hàng thập kỷ vì mảnh đất Kashmir. Điều này đã được minh chứng qua thực tế của giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2009. Không phải những công việc đã làm trong vòng chưa đầy một năm, mà chính là tư tưởng thúc đẩy đối thoại, trước hết là với thế giới Hồi giáo, đã giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama giành được giải thưởng này. Quan trọng hơn, dường như Tổng thống Obama luôn bị chính danh hiệu cao quý kiểm soát, đơn cử như trong vụ vũ khí hóa học của Syria hồi năm 2013.

Trong bối cảnh thế giới đang hết sức căng thẳng bởi những xung đột, điểm nóng ở nhiều nơi trên thế giới, thì việc Ủy ban giải thưởng Nobel Hòa bình coi trọng những đóng góp có tính định hướng chiến lược giúp kiến tạo hòa bình, ngăn chặn chiến tranh trong tương lai cũng là điều dễ hiểu.

Nếu vậy thì việc tranh cãi xem ai xứng đáng với giải thưởng Nobel hòa bình đã không còn quá quan trọng nữa. Giờ đây, điều mỗi người cần làm có lẽ là nên suy nghĩ về những thông điệp từ mỗi giải thưởng, bởi dù ở thời điểm nào thì mỗi giải Nobel Hòa bình cũng đều hướng tới việc kiến tạo hòa bình, chỉ là bằng những con đường khác nhau mà thôi.

Nguồn Nhân dân