Thời tiết nắng nóng, số ca tiêm phòng bệnh dại gia tăng ở Tiền Giang

(THTG) Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, từ đầu năm đến giữa tháng 02 năm 2023 đã có trên 2.800 người dân bị chó, mèo cắn đã đến Trung tâm tiêm phòng dại, trong đó có trên 80 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại, còn lại tiêm kháng nguyên dại.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Hiện đã bước vào cao điểm của mùa khô với tình hình nắng nóng diễn ra gay gắt nên số lượng người bị chó, mèo cắn cũng gia tăng.

vlcsnap-2023-02-17-16h02m50s996.png

vlcsnap-2023-02-17-16h03m00s846.png

Người dân đến tiêm phòng bệnh dại tại CDC Tiền Giang.

Đối với các trường hợp vết thương lớn, ngoài tiêm ngừa dại, các bác sĩ phải tư vấn tiêm phòng uốn ván, tiêm huyết thanh phòng dại, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng…

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần thực hiện những biện pháp để phòng ngừa lây nhiễm vi rút bệnh dại như: Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn. Đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại. Đồng thời thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn và theo dõi con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn/cào. Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết…, thì phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị, hạn chế nguy cơ tử vong do bệnh dại.

Tin và ảnh: Thanh Hoàng CDC