Thị trường giáp Tết: Nơi sôi động, nơi trông chờ

Mua sắm tết đang bước vào cao điểm nên sức mua tại các siêu thị, các chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho hiện tăng rất mạnh. Hầu hết các siêu thị đều tăng giờ mở cửa phục vụ khách hàng mua sắm. Trong khi đó sức mua tại các chợ huyện, thị vẫn còn chờ…   
 
MỸ THO: SIÊU THỊ CHẬT KÍN NGƯỜI

Theo quan sát của chúng tôi, ở Co.op Mart Mỹ Tho, Vinatex Mỹ Tho và các cửa hàng Bách hóa tổng hợp của HTX Thương mại – Dịch vụ Phường 1… sức mua đã tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Tại Co.op Mart Mỹ Tho, những ngày qua đông nghẹt người, ngay giờ vắng khách nhất là khoảng 12-14 giờ, vẫn có nhiều khách chọn mua hàng hóa chất đầy xe đẩy những món trong thực đơn ngày tết như: trà, bánh, nước ngọt, bia, rượu, lạp xưởng, mứt, khô mực, khô bò, dầu ăn, đường, gạo ngon, trứng… bên cạnh quần áo và những loại thực phẩm thiết yếu khác.

Ông Nguyễn Văn Võ, Phó Giám đốc Co.op Mart Mỹ Tho cho biết, sức mua tại siêu thị đã tăng từ 30-40% so với ngày thường nhưng vẫn chưa bằng thời điểm này của tết năm ngoái. Các mặt hàng bán chạy vào thời điểm này là bánh, mứt, kẹo, rượu bia và nước giải khát. Để hạn chế cảnh khách hàng phải xếp hàng lâu chờ tính tiền, siêu thị đã tăng giờ mở cửa và đưa vào hoạt động hết công suất các két tính tiền.

          

Đông đảo người dân đến mua sắm tết tại Co.opMart Mỹ Tho.
Đông đảo người dân đến mua sắm tết tại Co.op Mart Mỹ Tho.

Vào tối 3-2 (nhằm ngày 23 tháng Chạp), tại khu vực bán quần áo của Vinatex Mart Mỹ Tho có rất đông khách hàng lựa chọn mua sắm. Theo Vinatex Mart Mỹ Tho, hiện siêu thị kinh doanh 40.000 mặt hàng, trong đó các loại hàng hóa phục vụ tết như: bánh, mứt, bia, nước ngọt… đã được chuẩn bị với số lượng tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Đặc biệt, hàng may mặc của các công ty trong nước đã thu hút lượng khách hàng tăng dần theo những ngày gần Tết. Hiện lượng khách hàng đến mua sắm tại siêu thị đã tăng từ 20 – 30% so ngày thường.

Còn cửa hàng bách hóa của HTX Thương mại – Dịch vụ Phường 1 (trên đường Lê Lợi, phường 1, TP. Mỹ Tho) đã mở hẳn một quầy kinh doanh hàng hóa tết để phục vụ khách hàng với đầy đủ các loại bánh mứt, kẹo, nước ngọt… Sức mua tại quầy hàng này cũng như các cửa hàng thuộc hệ thống HTX đã tăng từ 20 – 30% so với ngày thường. Các mặt hàng thực phẩm chế biến, bánh kẹo, bia, nước ngọt… đang là mặt hàng chủ lực, chiếm phần lớn doanh số bán ra.

Riêng tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Mỹ Tho cũng đã bắt đầu có không khí tết khi mà các loại hàng hóa phục vụ tết như: kiệu, trứng, thực phẩm khô… đã về các chợ nhiều hơn. Đầu tháng Chạp, sức mua ở các chợ truyền thống vẫn còn trầm lắng, nhưng đến 24 tháng Chạp đã bắt đầu nhộn nhịp. Theo thống kê của các Ban Quản lý chợ như: Thạnh Trị, Mỹ Tho, chợ Cũ,… sức mua đã tăng từ 10 – 15% so với đầu tháng.

Nhiều mặt hàng như: Quần áo may sẵn, giày dép, thực phẩm khô, đồ gia dụng… được tiêu thụ mạnh. Theo nhận định của các tiểu thương kinh doanh ở các chợ, hiện giá cả hàng hóa tại chợ tương đối bình ổn. Các loại bánh, mứt có giá bán tăng từ 10-15% so với mùa Tết năm trước. Cụ thể: mứt gừng dẻo từ 90.000 – 100.000 đồng/kg; mứt me, mứt mãng cầu, mứt hạt sen có giá bán  khoảng 100.000 đồng/kg…

Tại chợ Thạnh Trị (phường 4, TP. Mỹ Tho) lượng hàng hóa về cũng đã tăng từ 10-15%/đêm. Khu vực kinh doanh trái cây của chợ này càng trở nên nhộn nhịp trong những ngày cận tết, với lượng trái cây các loại về khu vực này tăng gấp đôi ngày thường. Giá một số mặt hàng đã nhích nhẹ so với thời điểm đầu tháng Chạp. Thịt heo các loại tăng từ 1.000 – 3.000 đồng/kg, dao động ở mức  80.000 – 85.000đồng/kg thịt đùi, ba rọi; 85.000 – 90.000 đồng/kg thịt nạc; sườn non 100.000 – 110.000 đồng/kg…

Khu vực chuyên kinh doanh các loại hàng hóa tết trên đường Lê Văn Duyệt (phường 1, TP. Mỹ Tho) được khai trương từ nhiều ngày nay cũng đã bắt đầu thu hút khá đông khách hàng mua sắm Tết. Chị Mai Tâm, một khách hàng đến từ xã Tam Bình (Cai Lậy) đang mua sắm hàng hóa tết cho biết: “Hàng hóa tết bây giờ rất phong phú và đa dạng, ở bất cứ các vùng nông thôn hay thành thị thì người dân đều mua được hàng hóa tết. Tuy nhiên, hàng năm tôi vẫn có thói quen mua sắm bánh, kẹo hay thực phẩm ngày tết như lạp xưởng ở khu vực đường Lê Văn Duyệt này, vì thuận tiện lựa chọn và giá cả ở đây cũng chấp nhận được, không cao hơn so với các nơi khác.  

TÂN PHƯỚC, VĨNH KIM: TRÔNG CHỜ NGÀY CUỐI

Chợ Tân Phước (huyện Tân Phước) những ngày qua nhộn nhịp hơn so với những ngày trước đó, bởi sự xuất hiện các gói quà tết, hoa, quả… đổ về chợ mỗi ngày càng nhiều. Lượng hàng hóa trong chợ cũng tăng hơn mọi khi do sau thời gian trữ hàng, các tiểu thương bắt đầu tung ra bán tết. Tuy nhiên, sức mua vẫn chưa tăng. Chị Yến, tiểu thương bán quần áo tại chợ, cho biết mỗi ngày sạp của chị bán được 2-3 bộ quần áo, không tăng so với các ngày thường.

Còn anh Lê Văn Nam, tiểu thương bán đồ tạp hóa cũng cho biết, chợ thường chỉ nhộn nhịp vào ngày chủ nhật, còn những ngày khác vẫn bình thường như mọi khi. Vì là chợ nông thôn nên chỉ nhộn nhịp được 1 – 2 ngày cuối cùng của năm thôi. “Sức mua chợ này rất khó đoán. Phải đến ngày cuối cùng mới biết sức mua chợ tết mạnh hay yếu. Nếu nông dân trồng khóm trúng mùa, được giá; lúa thu hoạch và tiêu thụ được trước tết thì sức mua sẽ tăng cao, còn ngược lại sẽ ế”- anh Nam nói.

     

     

Theo nhận định của Sở Công thương, hiện nay mãi lực ở các chợ đã tăng từ 15%, siêu thị tăng 30% so với thời điểm trước đây một tháng, vẫn chưa có dấu hiệu gây ra hiện tượng “hút hàng, tăng giá”.

     

Tại một số chợ lẻ, trong thời điểm nhất định, khi sức mua tăng cao giá có tăng lên nhưng nhìn chung không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến; đồng thời, tình trạng khan hàng, sốt giá vào thời điểmTết Nguyên đán cũng khó có khả năng xảy ra. Bởi trên địa bàn có khoảng 171 chợ, 6 siêu thị, một trung tâm thương mại cùng các cửa hàng tiện ích… sẽ đảm bảo cung cấp cho thị trường lượng hàng hóa phong phú, đa dạng.

     

Bên canh đó, trên địa bàn tỉnh đã có 7 doanh nghiệp thực hiện việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết với tổng giá trị vốn 284,5 tỷ đồng (tăng hơn năm 2012 khoảng 71,1 tỷ đồng), trong đó hàng hóa thiết yếu là 68,712 tỷ đồng.

     

Từ nay đến Tết Nguyên đán, ngành Công thương sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát vịêc niêm yết giá bán; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm; ghi nhãn hàng hóa; kiểm tra xử lý các vi phạm như: đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt…

     

Tại chợ Giữa Vĩnh Kim (huyện Châu Thành), lượng hàng hóa phục vụ tết đã được tiểu thương chuẩn bị từ hơn 1 tháng trước, nhiều nhất là những mặt hàng nhu yếu phẩm, mặt hàng phục vụ nhu cầu tết.

Ông Nguyễn Huy Vũ, Trưởng Ban Điều hành chợ cho biết: “Trước đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 5 xe tải chở hàng từ TP. Hồ Chí Minh về cung cấp cho các tiểu thương. Gần 2 tháng nay, mỗi ngày tăng lên 10 chuyến. Hàng hóa phục vụ hàng ngày, hàng hóa tết khá phong phú”. Tuy nhiên, sức mua vẫn còn “chờ”.

Anh Phan Hồ Phúc Cường, tiểu thương bán tạp hóa trong chợ cho biết, hiện nay khách hàng mua nhiều nhất là đường, đậu… Nhưng sức mua nhìn chung vẫn không tăng nhiều. “Chợ này chỉ nhộn nhịp, sức mua tăng mạnh vào 3 ngày cuối cùng của năm. Đó là lúc nhà vườn đã thu hoạch và bán xong trái cây mới ra chợ mua đồ về ăn Tết” – anh Cường nói.

Còn tại cửa hiệu Á Vạn Phát, mứt, bánh, những hàng hóa phục vụ cho nhu cầu làm quà biếu ngày tết trưng bày từ trong ra ngoài cửa tiệm.

Nhưng thỉnh thoảng, chúng tôi mới thấy có người đến hỏi mua. “Hàng tết vẫn bán rất chậm. Chúng tôi hy vọng mấy ngày tới tình hình sẽ tốt hơn”- ông chủ tiệm này hy vọng.

KHU “VÙNG BIỂN”: HẢI SẢN TĂNG GIÁ

Những ngày cuối năm, không khí mua bán tại các chợ thuộc các huyện phía Đông của tỉnh bắt đầu sôi động hẳn lên. Ngày 2-2, người dân bắt đầu đến chợ thị xã Gò Công và thị trấn Tân Hòa (huyện Gò Công Đông) đông hơn, mua các loại khô, hải sản tươi sống nhiều hơn.

Bà Hạnh, bán hải sản tươi sống tại thị xã Gò Công cho biết, mấy ngày nay sức mua hải sản tại đây tăng từ 10-15%, giá cả cũng tăng từ 10-20 ngàn đồng/kg. Cụ thể, tôm sú có giá 150-400 ngàn đồng/kg, tôm càng xanh 200-300 ngàn đồng/kg, cua biển 180-400 ngàn đồng/kg, ghẹ 150-200 ngàn đồng/kg, nghêu 35-40 ngàn đồng/kg, sò huyết 50-70 ngàn đồng/kg. “Theo dự đoán của chúng tôi, trong những ngày tới, sức mua sẽ còn tăng mạnh, nhất là thời điểm 28 và 29 Tết. Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng tôi tích cực đi tìm nguồn về cung ứng cho người dân” – bà Hạnh nói.

Theo khảo sát của chúng tôi tại chợ thị xã Gò Công, giá lạp xưởng dao động 120-200 ngàn đồng/kg, tôm khô 350-900 ngàn đồng/kg, khô cá lóc khoảng 200 ngàn đồng/kg, khô cá sặt rằn 350-400 ngàn đồng/kg, khô cá chỉ vàng 100-200 ngàn đồng/kg, khô cá đuối 100-200 ngàn đồng/kg.

Ông Năm, chủ cửa hàng khô ở chợ thị xã Gò Công cho biết, khô mực chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc, chỉ có ngày tết mới tiêu thụ nhiều ở nội địa. Hiện nay, giá khô mực bán sỉ loại ngon nhất khoảng 600 ngàn đồng/kg, tăng từ 100-200 ngàn đồng/kg so với ngày thường; khô mực trung bình giá 300-450 ngàn đồng/kg.

Theo ông Năm, do giá mực quá cao nên hầu hết đầu mối thu mua tại vùng đánh bắt không dám “ôm”, chỉ có những đại lý cung ứng trên TP. Hồ Chí Minh mới đủ tiền gom trữ bán tết. Chính vì vậy, giá cả dịp tết năm nay có thể sẽ bị các đầu mối đã gom hàng chi phối.

Những ngày này, chị Phượng, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng bánh, kẹo tại chợ thị trấn Tân Hòa (huyện Gò Công Đông) luôn tất bật nhập hàng hóa và đón tiếp lượng khách mua đông hơn gấp 3-4 lần so với ngày thường. Theo chị Phượng, thời điểm cận tết là cơ hội kinh doanh lớn nhất trong năm của các tiểu thương. Không biết sức mua như thế nào nhưng từ đầu tháng 10 và 11 (ÂL), hầu hết các tiểu thương đều mạnh dạn nhập số lượng lớn hàng hóa, từ giày dép, bánh kẹo, quần áo đến các loại thực phẩm khô.

“Đợt Tết này, tôi đã mạnh dạn nhập trên 100 triệu đồng các loại mứt, bánh kẹo tết để phục vụ mua sắm tết của khách hàng”- Chị Phượng cho biết.

Thị trường tết ở các chợ khởi động có phần chậm hơn so với các siêu thị nhưng nhiều tiểu thương vẫn dự đoán những ngày cận tết sẽ có một cuộc “bức phá” lớn, bởi đây là thời điểm mà công nhân, lao động mới bắt đầu mua sắm chuẩn bị đón tết.

Thời điểm cận tết, số lượng hàng hóa lưu trữ tại các chợ tăng nhiều lần so với ngày thường. Do đó, để đảm bảo công việc kinh doanh và bảo vệ hàng hóa tại chợ, Ban quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh đã phổ biến cho bà con các kiến thức về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời, tăng cường số lượng người bảo vệ, chia ca trực 24/24 và thường xuyên kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy, các kho bãi trong khu vực chợ.