Thi THPT Quốc gia năm 2019: Chấm chéo liệu có hạn chế được tiêu cực

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả khi Bộ GD-ĐT dự kiến từ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ tổ chức chấm chéo để giảm tiêu cực.

Bộ GD-ĐT dự kiến từ kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2019 sẽ tổ chức chấm chéo hoặc chấm theo cụm bài thi để hạn chế tình trạng tiêu cực.

Thế nhưng, nhiều trường đại học tại TP HCM đang lo lắng về phương án này, bởi nếu áp dụng phương pháp chấm chéo mà không phối hợp các phương án khác để siết chặt chất lượng từng khâu trong quy trình thi thì cũng khó lòng kiểm soát được tiêu cực.

thi thpt quoc gia nam 2019 cham cheo lieu co kha thi hinh 1
Thí sinh thi Toán tại điểm thi trường THCS Diên Hồng, Quận 10

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, việc chấm chéo sẽ tiến hành khác trước bằng việc áp dụng nhiều giải pháp công nghệ. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường đại học tại TP HCM vẫn tỏ ra băn khoăn với phương án này.

Không ít trường đại học cho rằng, việc chấm chéo sẽ không khả thi nếu chỉ đơn thuần là yếu tố kỹ thuật vì cùng với sự phát triển của công nghệ, hình thức gian lận cũng ngày càng tinh vi hơn.

Nhớ lại năm 2011, mặc dù bài thi được yêu cầu chấm chéo, nhưng 11 tỉnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt tay nhau điều chỉnh kết quả thi.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, nếu chấm chéo mà vẫn giao quyền về cho địa phương thì chưa hẳn đã tốt. Cho nên sẽ phù hợp hơn nếu giao quyền chấm thi về cho các trường đại học hoặc trung tâm khảo thí uy tín.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM nhận định: Ở góc độ kỹ thuật, việc chấm chéo vẫn có thể thực hiện được nhưng cốt lõi vẫn là con người.

Hiện nay, quy trình thi, các quy định, quy chế thi khá chặt chẽ nhưng qua các vụ gian lận trong thi cử vừa qua cho thấy chủ yếu là do cá nhân ở các hội đồng thi không tuân thủ quy định, quy chế thi và các bộ phận giám sát không thực hiện hết chức trách của mình để kiểm tra, phát hiện gian lận.

Do vậy, muốn kết quả trung thực thì phải siết cả quá trình chứ không nên chỉ tập trung vào một khâu nào đó. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý thật nghiêm.

Hiện nay việc xử lý gian lận thi cử vẫn chưa đến nơi đến chốn, chưa đủ tính răn đe nên xã hội khó lòng tin tưởng.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa phân tích: “Việc thực hiện chấm chéo trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sắp tới chỉ là một giải pháp. Chúng ta vẫn phải có sự tuân thủ về quy trình và các quy định, quy chế thi. Chứ nếu chúng ta chỉ thay đổi về kỹ thuật nhưng các bộ phận thi cử vẫn có thể liên kết với nhau để có sự gian lận tập thể thì rất khó điều khiển quy trình thi đi đúng quy định, quy chế”.

Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM cho rằng, thay vì chỉ tập trung vào việc thay đổi phương pháp chấm thi, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, Bộ GD-ĐT cần gia tăng sự tham gia của các trường đại học trong tất cả các khâu, đặc biệt là chấm thi. Vì nếu thiếu sự kiểm soát của các trường rất khó để đảm bảo tính trung thực trong công tác chấm chéo.

“Việc chấm chéo chưa chắc là phương pháp tốt để đảm bảo kết quả tốt nhất cho kỳ thi THPT Quốc gia. Giải pháp tốt nhất là giao cho các trường đại học hoặc các trung tâm khảo thí lớn chấm thi. Khi đó kết quả sẽ khách quan, đảm bảo được sự trung thực của kỳ thi”, ông Nguyễn Quốc Cường bày tỏ.
thi thpt quoc gia nam 2019 cham cheo lieu co kha thi hinh 2
Thí sinh thi THPT Quốc gia 2018 tại TP HCM

Cho rằng vấn đề không nằm ở phương pháp chấm thi mà chủ yếu ở khâu giám sát, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đề xuất phương án tăng cường vai trò của các trường đại học trong tất cả các khâu của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

“Theo tôi, việc chấm chéo trong kỳ thi THPT là không cần thiết. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là quy trình liên quan đến khâu tổ chức thi từ in sao đề thi đến tổ chức coi thi và khâu chấm thi phải thật tốt. Trong đó vai trò của trường đại học ở tất cả các khâu phải thể hiện rõ hơn”, Thạc sĩ Thái Sơn nêu quan điểm.

Ông Phạm Thái Sơn phân tích thêm, việc in sao đề thi cần tập trung tại các trung tâm in sao lớn của khu vực. Khâu tổ chức thi cần để các trường đại học chủ trì, địa phương phối hợp. Trong đó, các vị trí quan trọng như điểm trưởng, điểm phó chuyên môn, thư ký, bộ phận giám sát thi nên đến từ các trường để đảm bảo cao nhất tính nghiêm túc, an toàn của kỳ thi.

Việc chấm thi có thể theo hai hình thức là chấm tập trung đối với bài thi trắc nghiệm và chấm bài thi tự luận thông qua sự giám sát chặt chẽ từ phía các trường và Bộ Giáo dục – Đào tạo, nhất là khâu rọc phách. Đặc biệt, khâu chấm kiểm tra phải do các trường chủ trì chứ không thể giao cho địa phương.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, thay vì tìm cách đổi mới chấm thi, Bộ GD-ĐT nên tập trung vào việc đảm bảo cao nhất tính nghiêm túc cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.

Khi công tác sao in, coi thi được siết chặt và bài thi chủ yếu dưới dạng trắc nghiệm như hiện nay, việc chấm thi sẽ không còn quá khó khăn.

Nhưng quan trọng nhất, muốn tránh tiêu cực thì phải giảm bớt vai trò của địa phương từ khâu coi đến khâu chấm thi và giao quyền nhiều hơn cho các trường đại học, đơn vị trực tiếp chịu tác động từ kết quả thi./.

Nguồn vov.vn