Thể thao Việt Nam ở Olympic 2012: Hy vọng ở cử tạ, taekwondo

      Trong số 11 đội tuyển và 18 VĐV dự Olympic 2012 của Việt Nam, 4 môn được đặt nhiều hy vọng huy chương là cử tạ, taekwondo, thể dục dụng cụ và bắn súng


Huỳnh Châu (phải) tự tin sau thời gian dài tập huấn ở Hàn Quốc. Ảnh: Quang Liêm
Trong số 4 môn này, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, ông Lâm Quang Thành, nhận định: “Taekwondo và cử tạ là 2 môn hy vọng hàng đầu”. Đây là những môn Việt Nam từng giành được HCB ở đấu trường Olympic. Những chuẩn bị trước giờ G của các VĐV ở 2 môn này cũng cho thấy quyết tâm và hy vọng lớn. Tuy nhiên, theo ông Thành, nếu không có yếu tố may mắn cũng rất khó cho các VĐV Việt Nam bởi các đối thủ của chúng ta đều có trình độ rất cao.

Lực sĩ Toàn “gánh” cả đoàn

Cử tạ Việt Nam dự Olympic có 2 VĐV là Trần Lê Quốc Toàn và Nguyễn Thị Thúy nhưng mọi niềm hy vọng chỉ đặt lên vai nam lực sĩ quê Đà Nẵng. Quốc Toàn hiện đang miệt mài tập luyện tại Pháp và chờ ngày sang Anh tranh tài.

Những thông số trong tập luyện cũng như đăng ký mức tạ trước ngày tranh tài cho thấy Toàn đang quyết tâm giành huy chương. Toàn đăng ký mức tổng cử là 292 kg, cao nhất trong số các VĐV dự hạng cân 56kg. Những đối thủ của Toàn như Wu Jingbiao (Trung Quốc), Valentin Hristov (Azerbaijan) hay Jadi Setiadi (Indonesia) đều đăng ký mức tạ dưới 290 kg. Lựa chọn này của Toàn đồng nghĩa với việc lực sĩ người Đà Nẵng sẽ mạo hiểm “được ăn cả ngã về không”. Trưởng bộ môn cử tạ Đỗ Đình Kháng cho biết: “Đây chưa phải là mức tạ cuối cùng bởi mọi chuyện còn có thể thay đổi trong buổi họp kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay theo thông tin tôi có được từ Pháp thì Toàn rất tự tin. Trong tập luyện, Toàn nhiều lần đã đạt được mức tạ như đã đăng ký”.

Cũng có lẽ vì điều này mà ông Kháng cho rằng “Toàn đủ sức tái lập thành tích của Hoàng Anh Tuấn 4 năm trước”. So với Hoàng Anh Tuấn, Toàn điềm đạm, khiêm tốn hơn và có những tố chất để gây nên bất ngờ. Tuy nhiên, lần đầu tiên tranh tài ở sân chơi lớn như Olympic, Toàn cần duy trì bản lĩnh thi đấu và sự lạnh lùng trước đối thủ.

Động lực từ tiền thưởng lớn

Cũng như cử tạ, taekwondo cũng mang tới Anh 2 VĐV là Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh nhưng hy vọng chỉ đặt ở Huỳnh Châu do Diệu Linh vẫn còn quá trẻ (17 tuổi). Huỳnh Châu đang trải qua những ngày tập huấn cuối cùng tại Hàn Quốc trước khi sang Anh. Theo đánh giá của HLV trưởng đội taekwondo Việt Nam - ông Hồ Anh Tuấn - dưới sự dìu dắt của chuyên gia Kang Nam Won, Huỳnh Châu đã được tiếp cận với kỹ thuật, phương pháp cũng như thiết bị thi đấu tốt nhất thế giới hiện nay.

Chỉ còn 2 tuần nữa Huỳnh Châu sẽ bước vào thi đấu nhưng VĐV này vẫn đang thừa 2 kg so với hạng cân đã đăng ký. Tuy vậy, cũng như Trần Lê Quốc Toàn, Huỳnh Châu khá tự tin. Ông Hồ Anh Tuấn nhận định: “Giành huy chương là điều rất khó nói trước nhưng việc taekwondo được treo thưởng lớn nhất trong các môn thể thao nếu giành huy chương cũng cho thấy mọi người đặt niềm tin rất lớn ở Huỳnh Châu”.

Nếu có được HCV Olympic, Huỳnh Châu có thể nhận được mức thưởng lên đến hơn 1 tỉ đồng. Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, mức thưởng này có thể còn cao hơn nữa vì nhiều đơn vị, doanh nghiệp sẵn sàng thưởng nhiều hơn những gì họ đã hứa.

Lo công tác tiền trạm

Các đội tuyển điền kinh, TDDC, đua thuyền, judo, đấu kiếm, cầu lông đã có mặt và tập luyện ở Anh. “Đại quân” của đoàn Việt Nam gồm cả lãnh đạo đoàn, HLV, chuyên gia cũng đã nhập làng Olympic sau lễ thượng cờ đơn giản nhưng trang trọng. Tuy vậy, chuyện tập luyện tại Anh vẫn khiến người hâm mộ không thể yên lòng. Điền kinh và TDDC là hai đội sang Anh sớm nhất và được bố trí tập luyện tại Trường ĐH Bradford, cách London 300 km. Tuy nhiên, tại đây do thiếu thiết bị tập luyện nên hai đội tuyển này đã phải tìm một địa điểm tập luyện mới. Theo trưởng đoàn Lâm Quang Thành, đây là những khó khăn đã được lường trước. Vì thế, lãnh đạo đoàn đã chỉ thị các đội tuyển đi sau là bắn súng, taekwondo không sang sớm hơn kế hoạch dự kiến.