Thế giới thắt chặt “hầu bao”, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh

Do nhiều nước thắt chặt nhập khẩu, giảm tiêu dùng vì lạm phát nên quý 1-2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam giảm 11,2%.

Thế giới thắt chặt “hầu bao”, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh ảnh 1

Xuất khẩu tôm giảm gần 40% trong quý 1-2023

Số liệu này được Văn phòng Bộ NN-PTNT thông tin tới báo chí chiều 29-3, với nhận định một số nguyên nhân do: kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga – Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường. Trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023 (Bộ NN-PTNT đã dự báo được tình hình này từ những tháng cuối năm 2022).

Do xuất khẩu khó khăn nên ở thị trường trong nước, giá cả một số mặt hàng đã giảm nhẹ như: lúa, cà phê, chè, hạt tiêu, trái cây, heo hơi, gà… do sang tháng 3, nhu cầu tiêu dùng lương thực – thực phẩm thấp hơn so với tháng trước (trong dịp Tết nguyên đán).

“Giá nguyên liệu – vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản lại biến động nhanh, ảnh hưởng đến điều tiết, quản trị sản xuất kinh doanh và tác động đến thu nhập của nông dân” – báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết.

Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm chỉ ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Cả quý 1 chỉ xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 3 tháng qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); Hoa Kỳ lùi về vị trí thứ hai, đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); thứ ba là Nhật Bản với giá trị đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%); thứ tư là Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).

Những mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu gồm: cà phê đạt 1,27 triệu USD (giảm 2,3%); cao su đạt 552 triệu USD (giảm 22,9%); chè đạt 35 triệu USD (giảm 22,9%); hạt tiêu đạt 239 triệu USD (giảm 3,8%); cá tra đạt 422 triệu USD (giảm 33,1%); tôm đạt 578 triệu USD (giảm 39,4%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD (giảm 28,3%); mây, tre, cói thảm đạt 172 triệu USD (giảm 34,9%).

Những mặt hàng tăng mạnh xuất khẩu: gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD (tăng 22,2%); thịt, phụ phẩm đạt 37 tỷ USD (tăng 80,1%)…

Nguồn SGGP