Thế giới ghi nhận thêm các trường hợp nghi nhiễm Ebola

Các nước trên thế giới đang tăng cường thêm các bệnh pháp để ngăn chặn nguy cơ Ebola tấn công tới nước mình.

Giới chức Y tế Ấn Độ ngày 27/8 cho biết, họ đã phát hiện một trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Ebola tại sân bay ở Thủ đô New Delhi. Hơn 100 hành khách người Ấn Độ trở về nước trong các chuyến bay đêm 26/8 từ Liberia đã được kiểm tra sức khỏe tại sân bay ở 2 thành phố New Delhi và Mumbai.

Các bác sĩ ở Liberia điều trị cho các nạn nhân nhiễm Ebola (ảnh Getty Images)

 

Trong số 17 người được kiểm tra tại sân bay New Delhi, có 1 người bị sốt và viêm họng, những triệu chứng giống với bị nhiễm virus Ebola. Cũng tại sân bay New Delhi, 5 hành khách khác trên các chuyến bay từ Sierra Leone, Guine và Nigeria về Ấn Độ cũng đã bị cách ly vì phát hiện có triệu chứng bị sốt.

Số người tử vong và nhiễm mới Ebola chưa có dấu hiệu sẽ ngừng tăng lên, buộc các nước phải thắt chặt các biện pháp đối phó. Ngày 26/8, Chính phủ Nigeria đã lùi ngày khai giảng năm học mới 1 tháng tại toàn bộ các trường công và tư thục trên cả nước, nhằm chuẩn bị mọi biện pháp phòng dịch Ebola. Theo đó, toàn bộ các trường tiểu học và trung học tại Nigeria sẽ đóng cửa cho tới ngày 13/10 thay vì ngày 15/9 như kế hoạch.

Đến nay Nigeria đã ghi nhận tổng cộng 13 trường hợp mắc Ebola, trong đó 5 ca tử vong và 6 trường hợp được xuất viện. Cùng ngày, hãng hàng không British Airways của Anh thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm bay tới đầu năm 2015 đối với các chuyến bay tới và đi từ 2 nước bùng phát dịch nghiêm trọng nhất tại Tây Phi là Liberia và Sierra Leone.

Trong khi đó, ngày 26/8, các chuyên gia y tế đến từ Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã bắt đầu hội nghị kéo dài 2 ngày tại Thủ đô Accra của Ghana, để lên kế hoạch và đánh giá lại các chính sách, chiến lược đối phó với dịch bệnh Ebola đang hoành hành tại khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Y tế Ghana Asare Bampoe nhấn mạnh biện pháp tối ưu ngăn chặn dịch bệnh lây lan là đảm bảo quy trình cách ly hiệu quả và bổ trợ kiến thức cho người dân. Ông Bampoe cho rằng, các chuyên gia y tế khu vực cần tìm câu trả lời cho các câu hỏi tại sao Ebola ủ dịch trong thời gian lâu như vậy tại Tây Phi? Tình hình hiện nay có phản ánh năng lực của hệ thống y tế khu vực hay là vấn đề nhân lực? Văn hóa Tây Phi đóng vai trò gì trong việc dịch bệnh lây lan đáng lo ngại như hiện nay?

Hiện Liberia là quốc gia có dịch Ebola bùng phát nghiêm trọng nhất, với 624 ca tử vong trong tổng số gần 1.430 người đã thiệt mạng tại khu vực Tây Phi. Trong nỗ lực giúp Liberia đối phó dịch bệnh, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã tăng cường viện trợ khẩn cấp cho quốc gia Tây Phi này với 68 tấn hàng viện trợ được đưa tới Thủ đô Monrovia cuối tuần qua.

Giáo sư Heather Papowitz, Cố vấn Y tế khẩn cấp của UNICEF cho biết, tổ chức này đang có chiến lược xây dựng hệ thống y tế có thể tự lực tại các nước Tây Phi. Giáo sư Heather Papowitz cho biết: “Đây là nỗ lực lâu dài nhằm xây dựng những hệ thống y tế thực sự tại khu vực này, có khả năng tốt hơn để đối phó với dịch bệnh. Trong tương lai, Ebola có thể bùng phát trở lại, dịch tiêu chảy, dịch sởi hay sốt rét cũng là mối đe dọa. Các nước có thể tự lực đối phó với dịch bệnh khi được hỗ trợ và được trang bị tốt hơn trong tương lai”.

UNICEF cũng cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của các hệ thống y tế cơ bản tại các quốc gia Tây Phi trước sức ép của lần bùng phát dịch Ebola tồi tệ này./.

Hoàng Lê/VOV.VN