Thắt chặt quan hệ trao đổi – hợp tác kinh tế Trung Quốc và Mỹ Latinh

Ngày 22-1, tại thủ đô Santiago của Chile, Ngoại trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao của Cộng đồng các nước Mỹ Latinh, Caribbean (CELAC) và Trung Quốc đã ký kết kế hoạch hành động 3 năm nhằm thắt chặt quan hệ trao đổi và hợp tác kinh tế.

Tổng thống Chile Michelle Bachelet (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Tổng thống Chile Michelle Bachelet (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Theo ông Hugo Martinéz, Ngoại trưởng El Salvador – nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của CELAC. Với kế hoạch này, sự hợp tác đang được mở rộng, diễn ra trên cả 4 loại không gian: biển, đất liền, trên không và số.Thúc đẩy hợp tác thương mại

CELAC được thành lập tháng 12-2011 tại Caracas, Venezuela. Hiện cộng đồng này có 33 thành viên, gồm toàn bộ các nước Nam Mỹ, một số quốc gia khu vực Caribbean và Mexico.

Tổng kết 2 ngày thảo luận cấp chuyên viên và 1 ngày hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại trưởng nước chủ nhà Chile Heraldo Muñoz và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị cho biết, hai bên đã thông qua 3 văn kiện định hướng cho hợp tác CELAC – Trung Quốc trong giai đoạn 2019 – 2021, cùng Tuyên bố Santiago kêu gọi thúc đẩy hợp tác thương mại và hành động để đối phó với biến đổi khí hậu.

Trung Quốc đã trở thành đối tác lớn của Mỹ Latinh, với trao đổi mậu dịch hai bên tăng từ hơn 12 tỷ USD năm 2000 lên gần 275 tỷ USD năm 2013 (tăng gần 22 lần), trong khi trao đổi thương mại giữa khu vực này với thế giới chỉ tăng 3 lần. Chỉ tính riêng đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ Latinh đã tăng từ 1 tỷ USD năm 2003 lên 87,8 tỷ USD năm 2012. Riêng trong năm 2014, các thể chế tài chính của Trung Quốc đã cấp hơn 22 tỷ USD tín dụng cho các nước Mỹ Latinh, vượt tổng số tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ – hai nguồn cho vay truyền thống – cấp cho khu vực này.

Chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch

Kế hoạch hành động 3 năm tới bao gồm những khía cạnh hợp tác cụ thể như đầu tư, cơ chế tham vấn và công nhận sáng kiến “Vành đai và Con đường” (OBOR) của Trung Quốc. Ngoại trưởng Muñoz nhận định, Bắc Kinh đã mang tới hội nghị một thông điệp lớn về chủ nghĩa đa phương cũng như lời phản đối đanh thép chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Mục tiêu của OBOR trước đây là thúc đẩy liên kết khu vực và xuyên lục địa giữa Trung Quốc với lục địa Á – Âu. Tuy nhiên giờ đây có thể là cả khu vực Mỹ – Latinh.

Hãng tin Reuters nhận định, việc Trung Quốc mời các nước Mỹ – Latinh và Caribe tham gia sáng kiến trên như một phần của thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị trong khu vực mà mang đậm ảnh hưởng của Mỹ. Mặc dù chi tiết chưa được công bố, nhưng thỏa thuận này là một phần của chính sách đối ngoại đang phát triển tích cực hơn ở khu vực Mỹ – Latinh, trong bối cảnh những nước này gặp một số bất lợi do các chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thực tế cho thấy, kể từ khi kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 với chiến thắng của ông Donald Trump, Trung Quốc đã cố gắng gây dựng ảnh hưởng ở các khu vực kinh tế trọng điểm trên thế giới. Ngoài Mỹ – Latinh, Trung Quốc cũng tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bắc Kinh đang thực hiện phép thử nhằm lật đổ tầm ảnh hưởng của Washington ở Mỹ Latinh khi đưa ra khoản đầu tư trị giá 250 tỷ USD trong thập kỷ tới, mà trong đó các đối tác chiến lược hàng đầu gồm nhiều nước, trong đó có Brazil, Chile và Argentina.

Tại hội nghị, ông Vương Nghị nhấn mạnh: “Mọi cánh cửa đều để mở cho phát triển hợp tác CELAC – Trung Quốc” và tuyên bố mời 600 chính trị gia Mỹ Latinh tới thăm Trung Quốc và cấp 6.000 học bổng cho các nước trong khu vực này nhằm thúc đẩy sự xích lại gần nhau.

Nguồn SGGP