Tháng giêng lễ hội chùa Bà

Hàng năm, cứ vào dịp tháng giêng, du khách thập phương lại đổ về TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) tham dự các nghi thức văn hóa, tâm linh của lễ hội chùa Bà. Cao điểm của các hoạt động mang ý nghĩa truyền thống văn hóa này được diễn ra trong suốt hai ngày 14 và 15 tháng giêng.

Từ 2 giờ chiều 23-2 (nhằm ngày 14 âm lịch), trên các tuyến đường dẫn về chùa Bà tại ngã 6 vòng xoay chợ Thủ Dầu Một, dòng người và xe cộ đã tấp nập, có đoạn chật cứng phải nhích từng bước một. Ai nấy đều hân hoan, thành kính cầm trên tay những nhành hoa, cành lá, bó nhang tượng trưng cho lộc xuân may mắn dâng cúng lên Bà cầu xin cho một năm mới được quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi nhà, mọi người có cuộc sống hạnh phúc, bình an, làm ăn phát đạt. Chị Trần Thị Hà, nhà ở huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) cùng 5 người trong gia đình đến lễ Bà từ rất sớm trong ngày 14 âm lịch, vì như chị nói: “Phải đi thật sớm như vậy mới viếng Bà và xin lộc đầu năm được. Năm nào gia đình cũng đi lễ Bà và thưởng ngoạn các lễ hội cho đến hết ngày 15 âm lịch mới về…”.

Người dân đến lễ Bà tại chùa Bà Bình Dương.

Theo ông Lưu Cam, Trưởng ban Quảng Đông chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, từ mùng 1 Tết tới nay đã có hàng chục ngàn du khách thập phương đến dâng cúng lễ Bà và cầu an cho gia đình. So với năm ngoái, năm nay lượng người đến cúng lễ và tham gia các lễ hội nhiều hơn, nhất là các cá nhân và doanh nghiệp ở TPHCM – chứng tỏ đã có một niềm tin vào nền kinh tế của đất nước trong năm nay sẽ sớm được hồi phục và phát triển. 

Ngoài bố trí các tuyến xe buýt miễn phí đi lại giữa chùa Bà (cũ) với chùa Bà (mới) tại TP mới Bình Dương, ban tổ chức còn bố trí các điểm sơ cấp cứu, vá vỏ ruột xe miễn phí… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chen lấn trong khuôn viên chùa xin lộc, chặt chém tại các điểm giữ xe, hàng quán, nạn trộm cướp, móc túi hoành hành.

Ngoài những du khách thập phương đến chùa xin phát lộc (bao lì xì), cũng còn có một số người đến đây vay tiền mặt (đựng trong bao lì xì) để làm ăn. Nếu năm trước làm ăn có dư thì trả lại cho Bà gấp đôi, gấp ba và nhiều hơn nữa.

Cho rằng lộc của Bà rất hên nên nhiều người bằng mọi giá đổi bằng được bao lì xì của chùa. Nạn bói toán, mê tín dị đoan bên ngoài cổng chùa vẫn còn. Đây là những hạt sạn làm cho không khí lễ hội chùa Bà rằm tháng giêng không được vui.

C.TƯỞNG

Theo chương trình, vào lúc 9 giờ sáng ngày 24-2 (nhằm ngày 15 âm lịch), tại trước sân chùa Bà sẽ diễn ra nghi thức đấu giá 9 lồng đèn đỏ cầu may năm mới. Những năm kinh tế phát triển, người dân làm ăn khấm khá, trị giá của mỗi lồng đèn được đấu giá lên tới 500, 700 triệu đồng. Năm nay, ban tổ chức lễ hội kỳ vọng rất nhiều vào các doanh nghiệp, các mạnh thường quân từ TPHCM tham gia đấu giá sẽ trúng được lồng đèn may mắn với trị giá đóng góp lớn. Toàn bộ số tiền trúng đấu giá thu được từ 9 lồng đèn sẽ được đóng góp cho các hoạt động xã hội từ thiện, tu sửa chùa và xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ đời sống người dân. 

Đến với lễ hội chùa Bà, du khách thập phương sẽ được chứng kiến lễ rước Cộ – một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Thủ Dầu Một hơn 100 năm qua. Lễ rước Cộ được diễn ra từ 3 giờ chiều ngày 15 âm lịch, bắt đầu các nghi thức cúng lễ tại chánh điện chùa, sau đó đoàn rước với hàng ngàn người đi một vòng qua các tuyến đường Nguyễn Du, Yersin, Hùng Vương, Thái Lập Thành, rồi vòng qua đường Đoàn Trần Nghiệp, Cách Mạng Tháng Tám về trở lại chùa Bà. Đi đầu đoàn rước Cộ là kiệu Bà, bài vị, tượng Bà, các đoàn múa lên sư rồng và hàng ngàn người thành kính, chiêm bái cầu xin cho một năm mới may mắn, an vui, làm ăn phát đạt. Lễ rước Cộ thường kết thúc lúc 18 giờ, sau đó là dòng người đổ về viếng Bà, dâng cúng lễ vật, xin lộc đầu năm kéo dài cho tới sáng.

Theo Thượng tọa Thích Huệ Thông, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương, lễ hội chùa Bà rằm tháng giêng hàng năm dù chỉ là lễ hội mang tính văn hóa, truyền thống, nhưng có sức thu hút rất lớn đối với Phật tử gần xa. Nét mới của lễ hội chùa Bà năm nay được cho là phong phú, độc đáo và thu hút du khách thập phương nhờ có hai ngôi chùa mới là chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (chùa Bà mới) và chùa Hội An được khánh thành tại trung tâm TP mới Bình Dương.

Để giúp du khách thập phương vừa tham gia các lễ hội tại chùa Bà (cũ) ở ngã 6 vòng xoay chợ Thủ Dầu Một, vừa cúng lễ, thưởng ngoạn hai ngôi chùa mới tại TP mới Bình Dương, chính quyền TP Thủ Dầu Một đã bố trí tuyến xe buýt đi lại miễn phí, chạy suốt ngày đêm. Tại chùa Hội An hiện có pho tượng Kỳ Lam Ngọc Phật được làm bằng khối đá saphia nặng gần 40 tấn, do một phật tử cúng dường chở từ tỉnh Nghệ An vào. Đây được coi là một công trình độc đáo, có giá trị cao, càng tôn lên giữa quần thể kiến trúc các ngôi chùa tại trung tâm TP mới Bình Dương hiện đại, phát triển.