Thái Lan: Bất ổn trong hòa bình

Một cuộc bầu cử mới ở Thái Lan dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 20-7, nhằm kết thúc tình trạng khủng hoảng chính trị kéo dài suốt 6 tháng qua ở quốc gia này. Thế nhưng phe đối lập không muốn có cuộc bầu cử nào nữa. Tình trạng giằng co này đang đẩy đất nước Chùa Vàng đến nguy cơ không thể chấm dứt bất ổn bằng giải pháp hòa bình.

Bất ổn chính trị đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Thái Lan.

Bất ổn chính trị dai dẳng

Tổng thư ký Ủy ban Bầu cử Puchong Nutrawong ngày 1-5 cho biết cuộc bầu cử lại được thông qua trong các cuộc họp giữa Ủy ban Bầu cử (EC) và Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra. Tuy nhiên EC còn phải soạn thảo sắc lệnh của Hoàng gia và đệ trình lên nhà vua để được thông qua.

Tình trạng không có chính phủ hay quốc hội với đầy đủ chức năng ở Thái Lan kéo dài từ tháng 12 năm ngoái trong khi đó kết quả cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2 năm nay bị bác bỏ sau khi phe đối lập phản đối và cản trở hoạt động bỏ phiếu tại nhiều điểm bầu cử.

Những đám đông biểu tình của phe đối lập do Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cầm đầu tiếp tục tuần hành trên các con phố chính ở Bangkok, kêu gọi người dân tham gia vào phong trào lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck.

Ông Suthep từng tuyên bố tiếp tục các cuộc tuần hành cho tới khi cải cách được thực hiện, đồng thời dọa cản trở các cuộc bỏ phiếu mới mà Ủy ban Bầu cử đang nỗ lực dàn xếp. Phe đối lập muốn bà Yingluck từ chức để mở đường cho việc thiết lập một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử. Các thành viên của hội đồng được lựa chọn và bổ nhiệm để cùng nhau tiến hành cải cách chính trị.

Chính phủ tạm quyền trước đó đã phải quyết định kéo dài thời gian áp đặt Luật An ninh nội địa (ISA) để duy trì trật tự ở thủ đô Bangkok. Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra hối thúc tổ chức các cuộc bỏ phiếu mới càng sớm càng tốt nhằm củng cố vị trí, khi bà đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc về mặt pháp lý có thể khiến bà mất chức.

Kinh tế sa sút

Ngân hàng trung ương Thái Lan nhận định tăng trưởng kinh tế của đất nước này có khả năng sẽ thấp hơn mục tiêu tăng 2,7% trong năm 2014. Rung Mallikamas, phát ngôn viên của ngân hàng này, cho biết việc ngân sách tài khóa 2015 có thể bị trì hoãn tới sáu tháng sẽ làm tổn thương sự phát triển của cả nền kinh tế. Sự chậm trễ đó sẽ ảnh hưởng lớn đến những quyết định đầu tư trong khu vực tư nhân. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng. Tuy vậy, lĩnh vực xuất khẩu dự kiến sẽ phục hồi chậm cùng với nền kinh tế toàn cầu.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nhận xét rằng nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2014 và 2015 rất có thể sẽ dưới 3%, thấp hơn mức trung bình 3,8% trong 10 năm qua. Moody’s cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do việc chậm triển khai hoạt động đầu tư của tư nhân và khu vực công, cũng như niềm tin tiêu dùng bị sa sút.

Nếu tình trạng bế tắc chính trị ở đất nước này tiếp diễn sang nửa cuối của năm nay và ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực du lịch hoặc chế tạo thì mức đánh giá tín nhiệm sẽ còn bi quan hơn.

Theo SGGP Online