Tết Mậu Tuất 2018 – Bình ổn giá, an toàn thực phẩm

UBND TPHCM sẽ xử lý nghiêm và tiêu hủy hàng hóa, thực phẩm không an toàn; đồng thời sẽ không dung túng đối với những cán bộ tham nhũng, thỏa hiệp với doanh nghiệp làm ăn gian dối.

 

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất bánh tráng Thành Danh. Ảnh: THANH HẢI

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất bánh tráng Thành Danh. Ảnh: THANH HẢI

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã khẳng định như vậy tại chương trình lắng nghe và trao đổi do Thường trực HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TP thực hiện vào sáng 7-1.

Công nhân trông chờ hàng bình ổn giá

Với chủ đề “Hàng hóa phục vụ tết, những vấn đề cần quan tâm”, chương trình đã tập trung làm rõ các vấn đề liên quan nguồn gốc, chất lượng, an toàn thực phẩm, bình ổn giá hàng hóa phục vụ tết cùng hoạt động chăm lo tết của chính quyền TP đối với người dân.

Tại chương trình, chị Trần Thị Ngọc Yến, làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức), bày tỏ việc nhiều công nhân đang làm việc tại TPHCM không có điều kiện về quê ăn tết. Vì vậy, công nhân mong muốn chính quyền TP hỗ trợ được mua các sản phẩm với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng thông qua các hội chợ, điểm bán hàng tại các khu chế xuất.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Bảo (quận 6) nhận xét, vào các đợt cao điểm cuối năm giá cả các mặt hàng, nhất là hàng tiêu dùng đều tăng. Đặc biệt, trong năm nay, trước tình hình thiên tai liên tiếp xảy ra, nhiều khả năng hàng hóa khan hiếm càng làm cho giá cả tăng mạnh.

Ông Bảo cũng bày tỏ lo lắng trước thực trạng hàng hóa không đảm bảo an toàn, đặc biệt là tình trạng tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ. Ông Bảo đề nghị các ngành chức năng có những biện pháp bình ổn giá, giám sát các lò giết mổ; đồng thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống hàng gian, hàng giả hàng kém chất lượng.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Thành, thành viên Hội Nông dân TP, đánh giá rau an toàn, có chất lượng được người tiêu dùng đón nhận. Chi phí sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap, theo phương pháp thủy canh cao nhưng giá bán rất thấp. Điều này khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Người nông dân gánh thêm nỗi lo về tình trạng phân bón kém chất lượng, gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả trồng trọt nên đề nghị các ngành chức năng có giải pháp kiểm soát hiệu quả hơn.

Tết Mậu Tuất 2018 - Bình ổn giá, an toàn thực phẩm ảnh 1Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại Công ty sản xuất mứt Trí Đức
Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết nguồn hàng phục vụ nhu cầu tết của người dân không bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh nên giá cả vẫn duy trì. Đến nay, Saigon Co.op đã chốt với các nhà cung cấp hàng hóa tết, không lo về giá và đa dạng về hàng hóa. Theo thống kê, các thực phẩm như rau củ quả; thịt heo, sản phẩm gia cầm ở TPHCM chỉ đáp ứng được 20% – 25% nhu cầu của người dân TP. Số còn lại, TP phải nhập từ các địa phương khác. Lãnh đạo Sở NN-PTNT TP cam kết thực hiện các giải pháp kiểm soát hàng hóa nhập vào TP nhằm bảo đảm cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP, bên cạnh 4 trạm kiểm soát động vật cố định, đơn vị còn phối hợp lập 3 tổ liên ngành ở các tuyến cửa ngõ ra vào TP nhằm kiểm soát sản phẩm gia cầm, thịt heo… từ các tỉnh vào TP. Đơn vị còn vận động các chủ cơ sở giết mổ và thương nhân kinh doanh giết mổ cam kết không tiêm thuốc an thần cho heo và tự nguyện tiêu hủy khi xác định vi phạm.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm (ATTP) TP, cương quyết: “Hành vi tiêm thuốc an thần cho heo phải bị xử lý nghiêm khắc” và đề nghị UBND TP chỉ đạo tất cả các cơ sở giết mổ heo ở TP phải gắn camera quan sát; đồng thời bổ sung lực lượng giám sát chứ không chỉ là lực lượng thú y. Về tình hình ATTP chung, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định sẽ phối hợp với các ngành, các cấp kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, đối với những hành vi vi phạm về ATTP sẽ không có câu chuyện tự nguyện, mà cơ quan chức năng TP sẽ xử lý nghiêm để bảo vệ sức khỏe của người dân.

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng nhắc lại quan điểm của Chủ tịch UBND TP rằng, TP không phải là đất sống của các doanh nghiệp làm ăn gian dối. Vì vậy, TP sẽ phối hợp xử lý nghiêm, thậm chí khởi tố các doanh nghiệp vi phạm khi có đủ căn cứ. Ngoài ra, TP cũng mạnh tay đối với những cán bộ tham nhũng, thỏa hiệp với doanh nghiệp làm ăn gian dối.

“Chúng tôi hiểu rằng, vào dịp cao điểm phục vụ tết thì các chi phí tăng nên giá cả hàng hóa tăng theo. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp đừng nhân đó mà làm giá, làm mất đi không khí tết của người nghèo”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến bày tỏ.

7.000 tỷ đồng hàng bình ổn giá, bán ở 10.600 điểm

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, nhu cầu tiêu thụ bánh kẹo tết năm nay khoảng 18.000 tấn. Doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo cam kết cung cấp đủ số lượng, giá không tăng so với năm trước nhưng bao bì lại đẹp hơn. Các doanh nghiệp cũng cam kết cung cấp khoảng 42 triệu lít bia, 47 triệu lít nước giải khát với giá xuất xưởng bia không tăng so với ngày thường. Doanh nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, gạo, dầu ăn cũng cam kết không tăng giá trước và sau tết. Riêng 2 ngày cuối cùng của năm, họ còn giảm giá sâu nhằm hỗ trợ bà con mua hàng tết muộn.

Tính chung, lượng hàng hóa chuẩn bị cho đợt Tết Mậu Tuất 2018 là 17.600 tỷ đồng, trong đó, hàng bình ổn trị giá 7.000 tỷ đồng. TPHCM tổ chức 10.600 điểm bán hàng bình ổn giá, trong đó các khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nhân, chế xuất có 1.000 điểm. Ngoài ra, trong 2 tháng cao điểm phục vụ tết có 420 chuyến xe bán hàng lưu động cung cấp hàng hóa bình ổn cho người dân.

Nguồn SGGP