Tàu chiến, máy bay Mỹ xuất hiện khắp Châu Á

Một chỉ huy hải quân cấp cao của Mỹ mới đây tiết lộ, nước này đã tăng đáng kể số lượng tàu chiến và máy bay được triển khai trên khắp khu vực Châu Á bất chấp việc Washington cắt giảm ngân sách. Nỗ lực này đã giúp củng cố thêm cho “chiến lược chuyển hướng trọng tâm” vào Châu Á của Mỹ.

tau chien may bay my xuat hien khap chau a
Tàu sân bay Mỹ.

Chuẩn Đô đốc Mark C. Montgomery – chỉ huy nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ đóng tại Yokosuka, Nhật Bản, cho biết, việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ra khắp Châu Á sẽ tạo ra tác động mang tính bình ổn cho khu vực vốn đang sôi sùng sục trong căng thẳng vì những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.

“Chính sách tái cân bằng chiến lược của Mỹ đã dẫn đến việc số lượng binh sĩ, tuần dương hạm, tàu khu trục hậu thuẫn cho nhóm tàu tấn công được triển khai ở Châu Á tăng lên cực nhiều”, ông Montgomery cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn diễn ra hồi giữa tuần ngay trên tàu sân bay USS George Washington đang có mặt ở Biển Đông.

“Chúng ta đang chứng kiến sự hiện diện ngày càng tăng của các lực lượng chiến đấu nổi ở Tây Thái Bình Dương… vì thế, những con tàu này đang được dàn ra khắp các vùng biển”, Chuẩn Đô đốc Mỹ cho biết khi bên cạnh ông những chiếc máy bay chiến đấu liên tiếp cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay USS George Washington như một phần của cuộc tập trận.

“Việc triển khai thêm nhiều tàu chiến sẽ giúp chúng tôi tăng cường sự hiện diện ở đây. Điều đó cho phép chúng tôi có lực lượng mạnh hơn trong khu vực”, ông Montgomery cho biết.

Vị quan chức hải quân Mỹ còn nhấn mạnh, dù Mỹ đang phải cắt giảm ngân sách quốc phòng và gần đây chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa 16 ngày vì một cuộc khủng hoảng ngân sách nhưng điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến chính sách ở Châu Á.

Việc chính phủ Mỹ đóng cửa đã buộc Tổng thống Barack Obama phải vắng mặt tại hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng của Châu Á. Diễn biến này gây lo ngại cho các nước về cam kết của Mỹ đối với khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày một mạnh lên và cứng rắn hơn.

Tình hình đó “chẳng ảnh hưởng gì đến chúng tôi. Chính sách tái cân bằng chiến lược vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc. Chúng tôi có đủ nguồn quỹ cho các chiến dịch của mình… Trên thực tế là chính sách tái cân bằng lực lượng đã đi vào hoạt động và điều đó đã dẫn đến việc có thêm nhiều tàu chiến và máy bay của chúng tôi được triển khai khắp” Châu Á, Chuẩn Đô đốc Mỹ nói thêm.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta từng tuyên bố tại cuộc Đối thoại An ninh Shangri-La hồi năm 2012, Mỹ cam kết chuyển tới 60% lực lượng hải quân của họ đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020.

Hồi đầu năm nay, Lầu Năm Góc cho biết, Không quân Mỹ sẽ đưa 60% máy bay và quân nhân của họ tới khu vực trong khi Lục quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ nối lại vai trò của hai lực lượng này ở Châu Á-Thái Bình Dương sau khi rút khỏi hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.

Trong tương lai, Lầu Năm Góc sẽ “ưu tiên triển khai” một vài trong những hệ thống vũ khí tối tân nhất của họ đến Thái Bình Dương, trong đó có máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đỉnh cao F-22 Raptor, máy bay tiêm kích tàng hình F-35 và tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia.

Ông Montgomery cho biết, các tàu chiến và máy bay đến từ San Diego, California và Trân Châu Cảng ở Hawaii đang được triển khai tới Châu Á trong nhiệm vụ kéo dài tới 8 tháng. Đây là một phần trong nỗ lực tái cân bằng lực lượng trong khu vực. “Điều đó cho phép chúng tôi hoạt động linh hoạt hơn và hiện diện rộng khắp hơn”.

Tàu chiến Mỹ tăng cường hoạt động ở Châu Á

Chuẩn Đô đốc Montgomery chỉ huy Nhóm Tàu Sân bay Tấn công 5 với con tàu dẫn đầu là tàu sân bay hạt nhân USS George Washington. Chiếc tàu chiến khủng này có mặt ở Biển Đông từ hồi giữa tuần.

Một nhóm tàu sân bay tấn công thường có uy lực cực mạnh bởi nó gồm một tàu sân bay hùng mạnh và được hậu thuẫn bởi ít nhất một tàu tuần dương hạm mang tên lửa, một tàu khu trục, một tàu hậu cần và một tàu ngầm tấn công chớp nhoáng.

Tàu USS George Washington chỉ huy nhóm tàu sân bay tấn công lớn nhất của Lực lượng Hải quân Mỹ và nó là nhóm tàu duy nhất đóng cố định bên ngoài nước Mỹ. Nhóm tàu này hoạt động ở 3 vùng biển chính gồm khu vực lãnh hải ngoài khơi bán đảo Triều Tiên – nơi chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc; khu vực biển ngoài khơi Nhật Bản – nơi Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp nhau quyết liệt một quần đảo; và khu vực Biển Đông – nơi Trung Quốc và 4 quốc gia Đông Nam Á đang tranh giành chủ quyền đối với nhiều vùng lãnh thổ, lãnh hải.

Nhóm tàu sân bay của ông Montgomery đã tổ chức những cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trong tháng này. Các cuộc tập trận này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Bình Nhưỡng. Nước này tin rằng, đó là “sự khiêu khích quân sự nghiêm trọng” và là một “cuộc tấn công vào các nỗ lực hòa bình”.

Tuần này, nhóm tàu sân bay thiện chiến của Mỹ đang có mặt trên Biển Đông và tham gia vào các cuộc tập trận quân sự nhỏ hơn với Hải quân, Không quân Malaysia. Theo kế hoạch, cuối tháng này, nhóm tàu tấn công của Mỹ sẽ tập trận với đồng minh Singapore.

Theo lời ông Montgomery, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực Châu Á là một nhân tố ổn định. “Sự hiện diện đó luôn đem lại ảnh hưởng bình ổn và trấn an”.

Nguồn VnMedia