Tăng tốc sản xuất vaccine phòng cúm gia cầm lây cho người

Đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 chủng 2.3.4.4b hiện nay khiến số lượng chim và gia cầm chết kỷ lục và lây bệnh sang động vật có vú. Cho dù nguy cơ đối với người còn thấp, nhưng một số hãng dược phẩm hàng đầu thế giới đã khởi động cuộc chạy đua sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine phòng cúm gia cầm lây cho người.

Các giám đốc điều hành của 3 nhà sản xuất vaccine GlaxoSmithKline(GSK – Anh), Moderna (Mỹ) và CSL Seqirus (Anh) cho biết, đang phát triển hoặc sắp thử nghiệm loại vaccine phòng cúm gia cầm cho người, có tác dụng ngăn ngừa chủng 2.3.4.4b của virus H5N1, như một biện pháp phòng ngừa đại dịch trong tương lai. Những công ty khác, trong đó có Sanofi, sẵn sàng bắt tay vào sản xuất vaccine phòng cúm gia cầm cho người nếu cần thiết.

Tăng tốc sản xuất vaccine phòng cúm gia cầm lây cho người ảnh 1

Bên trong một trang trại gia cầm ở Castelnau-Tursan, Pháp

Chủng 2.3.4.4b của cúm gia cầm H5N1 lây lan trong những tháng gần đây và một phụ nữ 53 tuổi ở Trung Quốc đã phải nhập viện vì chủng này. Không giống các trường hợp mắc cúm gia cầm ở Campuchia – có liên quan đến một chủng H5N1 đã lưu hành trong khu vực trong một thập kỷ – bệnh nhân ở Trung Quốc nhiễm loại biến thể 2.3.4.4b của cúm gia cầm đang gây ra đợt bùng phát toàn cầu chưa từng có ở loài chim.

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ truyền bệnh từ người sang người ở mức thấp, nhưng bà Sylvie Briand, Giám đốc quản lý công tác ứng phó dịch bệnh của WHO, cho rằng, tuy có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn so với Covid-19, song mức độ ứng phó với nguy cơ bùng phát đại dịch cúm hiện nay vẫn chưa đủ. Các ca nhiễm bệnh gần đây là một lời nhắc nhở về mối đe dọa ngày càng tăng do cúm gia cầm gây ra.

Tiến sĩ Pablo Plaza – chuyên gia về dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng thú y tại Đại học Quốc gia Comahue ở Argentina cho biết: Virus cúm gia cầm đã thay đổi và điều này có thể không loại trừ khả năng cúm gia cầm lây lan từ động vật có vú sang động vật có vú, góp phần làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe con người. Do đó, vấn đề không phải là bằng cách nào, mà là khi nào, đại dịch tiếp theo sẽ xảy ra và đó có thể là một loại virus có nguồn gốc từ gia cầm. Vì vậy, phải bắt đầu nghĩ về vaccine, thuốc kháng virus và xét nghiệm cúm.

Hiện có gần 20 loại vaccine được cấp phép lưu hành để chống chủng cúm H5. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ các nước giàu tích trữ vaccine. Theo các chuyên gia y tế toàn cầu, hầu hết số liều lượng vaccine tiềm năng cho con người đều được dành cho các nước giàu trong các hợp đồng chuẩn bị sẵn. Tiến sĩ Richard Hatchett – Giám đốc điều hành của Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), cho rằng chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề vaccine trong dịch cúm có thể nghiêm trọng hơn so với trong đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, WHO cho biết đã ký kết các thỏa thuận mang tính ràng buộc về mặt pháp lý với 14 nhà sản xuất vaccine, theo đó sẽ cung cấp 10% sản lượng vaccine phòng cúm với giá cả phải chăng để chia sẻ với các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong số những nhà sản xuất tham gia các thỏa thuận có các công ty sản xuất vaccine phòng cúm mùa lớn nhất như GSK, Sanofi và CSL Seqirus. WHO cũng đang phát triển các cơ chế nhằm đảm bảo các quốc gia hợp tác ứng phó với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Theo Japan Times, WHO không bình luận về khả năng tích trữ vaccine trong đại dịch cúm nhưng cho biết các cơ chế đang được phát triển “để các quốc gia có thể làm việc cùng nhau – không cạnh tranh nhau” nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng như vậy.

Nguồn SGGP