Tăng mức bảo hiểm y tế trường học: Lợi ích có tăng theo?

Từ năm học 2015-2016, học sinh, sinh viên sẽ đóng Bảo hiểm y tế theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Với mức đóng tăng lên, thời gian đóng cũng tăng lên, các gia đình có con đi học sẽ phải chịu thêm một khoản thu. Không nói tới đây là khoản nhỏ hay lớn vì điều kiện mỗi gia đình mỗi khác, điều các phụ huynh quan tâm là làm sao thấy rõ được lợi ích khi tăng mức nộp BHYT.

 Học sinh vui tươi bước vào năm học mới trong khi phụ huynh phải gánh nhiều nỗi lo (Ảnh minh họa)
Học sinh vui tươi bước vào năm học mới trong khi phụ huynh phải gánh nhiều nỗi lo (Ảnh minh họa)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Năm học mới 2015-2016 là năm đầu tiên BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) thực hiện theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật, với những điểm mới về mức đóng và thời hạn sử dụng thẻ BHYT. Theo đó, mỗi năm một học sinh phải đóng BHYT tương ứng với 4,5% mức lương cơ sở thay vì mức 3%, thời hạn sử dụng của thẻ BHYT HSSV sẽ theo năm tài chính (từ ngày 1-1 đến 31-12 của năm) thay vì theo năm học như trước đây.

Riêng trong năm học 2015-2016, học sinh sẽ phải đóng BHYT cho 15 tháng. Theo quy định này, mức đóng bảo hiểm cả năm là 621.000 đồng. HSSV là thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, đóng 70%, như vậy các em phải đóng 434.700 đồng/năm.

Theo quy định, HSSV khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến vẫn được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh và cùng chi trả 20%. Phạm vi BHYT HSSV bao gồm: chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú, tai nạn giao thông.

Trên trang chính của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định: Việc nâng mức đóng vì mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, để quyền lợi học sinh được bảo đảm hơn, kinh phí dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu được dồi dào hơn…Việc quy định giá trị sử dụng thẻ BHYT học sinh trong năm tài chính là sự cải tiến tích cực rút ra từ thực tế, có tính khả thi và thuận lợi cho các bên tham gia.

So với những năm học trước, mức phí BHYT là 289.800 đồng, như vậy, năm học này, mỗi học sinh sẽ đóng thêm gần 145.000 đồng. Hiện Hà Nội có khoảng 1,7 triệu học sinh với 2500 trường học. Đầu tháng 9, bắt đầu năm học mới, nhiều trường chưa tiến hành thu BHYT cho học sinh, nhưng một số trường ở các quận trung tâm đã thu xong. Cùng với nhiều khoản tiền trường đầu năm, mức tăng này đối với những gia đình ở trung tâm TP không phải là lớn nhưng đối với nhiều gia đình ở các địa bàn khó khăn, các huyện xa thì phụ huynh có sự lấn cấn.

Chị Đỗ Thị Tư (Mỹ Đức, Hà Nội) đang có hai con đi học khi biết mức BHYT năm học này sẽ tăng và gia đình sẽ phải đóng thêm một khoản tiền cho biết: “Cho con đi học thì phải theo nhưng với gia đình chị, thêm một khoản là thêm một nỗi lo rồi”. Và chị cũng nêu thắc mắc, nếu tăng mức thu, con chị sẽ có thêm lợi ích khi khám chữa bệnh hay không.

Không lo lắng về tài chính nhưng chị Lê Minh Hiền, một phụ huynh ở quận Ba Đình băn khoăn: Nếu như tăng mức đóng BHYT thêm một hai trăm nghìn hay thậm chí cao hơn chút nữa mà con được chăm sóc y tế tốt hơn thì tôi hoàn toàn nhất trí. Nhưng thực sự, tôi chưa thấy lợi ích rõ rệt. Hiện nay, bản thân tôi không sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh cho con, bởi không thuận tiện. Tôi biết nhiều gia đình vẫn mua thêm các gói bảo hiểm y tế khác cho con với mức cao hơn nhiều để hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế tốt.

Nhiều phụ huynh có con đi học đến nay là lớp 7, lớp 8…, năm nào cũng đóng đầy đủ BHYT cho con nhưng vẫn không rõ BHYT là khoản tự nguyện hay bắt buộc. Họ cho biết thực sự BHYT cho HSSV chưa thực sự hữu ích đối với bản thân trường hợp của mình nhưng vẫn đóng vì cho rằng ý nghĩa của BHYT nằm ở ý nghĩa cho cộng đồng.

Một số không nhỏ các gia đình nộp vì tâm lý e ngại nhà trường, nhất là khi cô giáo của con là người trực tiếp thu. Vì chưa thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh, như không thể khám bệnh thông thường ngoài giờ hành chính, nạn quá tải trong bệnh viện, thủ tục rườm rà, không thể lựa chọn nơi khám chữa bệnh… nên BHYT cho HSSV chưa thực sự được các phụ huynh coi trọng.

Có phụ huynh thẳng thừng: “BHYT cho HSSV chưa thực sự là quyền lợi, giờ lại thu tăng bắt phụ huynh phải chấp nhận. Và tại sao cứ phải thu qua kênh nhà trường, thầy cô?”.

Anh Trần Thắng (Thường Tín, Hà Nội) đưa ra cách nhìn khác: “Thực ra mức BHYT cho các cháu cũng không quá cao, chẳng may gặp trường hợp bệnh nặng hay kéo dài tốn kém mà không có BHYT sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng nếu tăng mức nộp mà không có thêm lợi ích hay cải tiến thì cũng khó thuyết phục phụ huynh”.

Theo quy định, phụ huynh có đóng BHYT cho con em theo giai đoạn để giảm gánh nặng, các địa phương có thể chia nhỏ thời gian đóng BHYT của các em là 3 tháng hoặc 6 tháng, những HSSV thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, các em có quyền tham gia BHYT theo hộ gia đình để được nhà nước hỗ trợ mức cao hơn…

Thực tế, một số trường đã thu BHYT vẫn chỉ báo số tiền và thu luôn một thể ngay khi năm học bắt đầu mà không giải thích hay hỏi ý kiến phụ huynh.

Hiện nay, theo thống kê có 85% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, trong đó, có khoảng 94% học sinh và 76% sinh viên. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải có văn bản đến các Sở, các trường yêu cầu tăng cường triển khai thực hiện công tác bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên, tiến tới bảo đảm 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế bằng các biện pháp như hỗ trợ từ ngân sách địa phương, tuyên truyền sâu rộng…

Như vậy, mặc dù BHYT là chính sách được đông đảo người dân nhận thức về ý nghĩa nhân văn cộng đồng nhưng việc thu bao nhiêu không bằng thu thế nào cho thỏa đáng và nếu thu tăng lên nhằm góp phần cải tiến cơ chế vận hành BHYT thật tốt, để người dân nói chung và phụ huynh, học sinh nhận được sự thuận tiện thì sẽ dễ dàng có sự đồng thuận từ phía phụ huynh và học sinh.

Nguồn Nhân dân